Gìn giữ văn hóa truyền thống theo cách của người trẻ
Sinh ra trên miền đất đỏ bazan giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nhiều bạn trẻ đã và đang nhiệt thành gìn giữ, góp sức bảo tồn, lan tỏa nét đẹp của dân tộc đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Căn nhà dài của gia đình H Tit Aliô nằm ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) - buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh. Lớn lên trong không gian thấm đẫm văn hóa truyền thống dân tộc nên từ nhỏ, H Tit Aliô đã có cơ hội tiếp xúc, am hiểu và yêu mến ẩm thực, nhạc cụ, trang phục dân tộc mình. Năng nổ, nhiệt huyết, H Tit Aliô đã tham gia vào các hoạt động của đoàn thanh niên và cũng là thành viên tích cực trong đội cồng chiêng của buôn.
Luôn nỗ lực trên con đường lựa chọn, cô gái Êđê đa tài này vừa có thể hát, múa, đảm nhận việc dẫn chương trình, hướng dẫn viên cho du khách khi trải nghiệm buôn làng, vừa có thể ủ rượu cần, nấu nhiều món ăn truyền thống dân tộc. Việc am hiểu văn hóa dân tộc của H Tit Aliô luôn tạo được ấn tượng cho khách thưởng lãm, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của đồng bào dân tộc Êđê đến du khách trong, ngoài nước...
Những cô gái rạng rỡ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. |
Năng động và ham học hỏi, em Y Vinh Byă (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã sớm làm quen với văn hóa cồng chiêng từ khi còn bé. Từ tò mò, đến yêu thích, Y Vinh Byă trở nên mê đắm tiếng chiêng ngân khi được các nghệ nhân truyền dạy. Với em, học đánh chiêng không chỉ để thỏa niềm yêu thích, mà còn khẳng định trách nhiệm lớp trẻ với văn hóa truyền thống dân tộc. Đây cũng là cách để Y Vinh Byă và những người trẻ trong buôn trau dồi kỹ năng, góp phần tham gia du lịch cộng đồng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Gìn giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp của buôn làng liệu có khó? Tất nhiên không. Bằng cách này, cách khác, bằng chính khả năng của mình, nhiều bạn trẻ ở Đắk Lắk đã và đang minh chứng cho điều đó. Ở huyện vùng biên Buôn Đôn, một nhóm bạn trẻ đã thành lập ban nhạc Kẹng Tí để nâng tầm kỹ năng biểu diễn, phục vụ văn hóa văn nghệ theo cách chuyên nghiệp hơn cho du khách khi tới thăm vùng đất này. Tại thị xã Buôn Hồ, các huyện Cư Kuin, Krông Ana, một số bạn trẻ khác lại dày công chăm chút từng sợi chỉ, miệt mài bên khung cửi để dệt nên những món đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Rất nhiều bạn trẻ khác, thậm chí lứa tuổi thiếu nhi đã có thể biểu diễn thành thạo cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, họ thường xuyên trau dồi và tham gia vào các đội chiêng trẻ của huyện Ea Súp, Cư M’gar, Krông Pắc, TP. Buôn Ma Thuột… và đạt nhiều kết quả trong các sự kiện như liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa truyền thống. Họ là cầu nối văn hóa truyền thống - hiện đại, góp phần quảng bá du lịch địa phương…
Niềm vui bên khung dệt thổ cẩm truyền thống. |
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, để góp phần giữ lửa văn hóa truyền thống, nhiều năm qua, đơn vị thường xuyên phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang; phục dựng các lễ nghi, lễ hội truyền thống; các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn… tại các cấp. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai cấp chiêng và trang phục truyền thống cho các đội chiêng tiêu biểu ở thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường xuyên hơn; qua đó gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, giúp lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc