Những bài học lớn từ thơ tự thọ của Bác Hồ
Sinh thời, mỗi dịp sinh nhật của bản thân, Bác Hồ thường làm một bài thơ tự thọ. Bác có tổng cộng 5 bài vào sinh nhật các năm 1949, 1950, 1953, 1964 và 1968.
Thơ tự thọ của Bác thường ngắn, viết bằng các thể thơ truyền thống của dân tộc, lời thơ giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt, thơ tự thọ còn thể hiện nhiều phương diện trong nhân cách, tâm hồn của Bác.
Trước hết, thơ tự thọ thể hiện ở Bác tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vận mệnh dân tộc. Năm 1949, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 59 của Bác, một vị trong Chính phủ đề nghị tổ chức mừng sinh nhật. Biết ý, Bác khéo léo từ chối bằng bài thơ tứ tuyệt: “Vì nước chưa nên nghĩ tới nhà/ Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta”. Bài thơ nhẹ nhàng, có phần hóm hỉnh nhưng thể hiện một cách dứt khoát ý thức đặt “nước” lên trên “nhà”, đặt “kháng chiến thành công” lên trước việc “ăn mừng sinh nhật” của bản thân. Tấm lòng trọn đời chỉ biết lo nghĩ cho nước, cho dân của Bác qua đó cũng được khắc họa một cách rõ nét.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc năm 1952. Ảnh: Internet |
Khát vọng thống nhất đất nước và niềm tin kiên định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng được thể hiện một cách cảm động trong thơ tự thọ của Bác Hồ. Năm 1964, nhân dịp sinh nhật lần thứ 74, Bác làm bài thơ bày tỏ “ham muốn tột bậc” của bản thân về một ngày “Nam Bắc một nhà”, “dân giàu nước mạnh”: “Bảy mươi tư tuổi vẫn không già/ Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta/ Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”. Năm 1968, lúc này sức khỏe đã kém nhưng Bác vẫn đầy lạc quan, tin tưởng trước thắng lợi của cách mạng. Bài thơ tự thọ cuối cùng như lời Bác hiệu triệu chính bản thân mình cùng con em cả nước tiến lên giành lấy thắng lợi sau cùng cho thấy rõ tinh thần ấy: “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà/ Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/ Tiến lên ta cùng con em ta!”.
Đặc biệt, thơ tự thọ còn thể hiện ở Bác con người lạc quan, yêu đời với tâm thế luôn ung dung tự tại. Trong bài thơ tự thọ viết bằng chữ Hán “Thất cửu” làm vào sinh nhật lần thứ 63, Bác nêu ra một quy luật tâm lý chung của con người trước tuổi tác là nỗi lo sợ trước tuổi già: “Nhân vị ngũ tuần thường thán lão” (người đời chưa đến 50 tuổi đã than già). Tuy nhiên, với Bác, tuổi già không hề là gánh nặng mà còn là những trải nghiệm nhân sinh đầy ý vị. Cho nên, trong thơ tự thọ, Bác thường đùa một cách dí dỏm nhưng cũng thật minh triết: “Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già”, “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên”, “Ngã kim thất cửu chinh khang cường” (ta nay 63 tuổi đang lúc mạnh khỏe), “Bảy mươi tư tuổi vẫn không già”, thậm chí “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm”.
Bên cạnh đó, thơ tự thọ còn thể hiện ở Bác thái độ ứng xử hết sức tích cực trước tuổi già. Thơ tự thọ năm 60 tuổi, Bác viết: “Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên”. Sinh nhật tuổi 63, Bác cũng viết: “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng/ Tố sự thung dung nhật nguyệt trường” (Tự sống thanh đạm tinh thần sảng khoái/ Việc làm ung dung cùng năm tháng dài). Sinh nhật 74 tuổi, Bác “cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta”. Thậm chí trước một năm về thế giới người hiền, Bác vẫn ung dung khẳng định: “Vẫn vững hai vai việc nước nhà”. Rõ ràng, những câu thơ trên cho thấy ở Bác ý thức trách nhiệm trước đất nước, với cuộc đời, giữ lối sống thanh đạm điều độ, giữ niềm yêu đời và hăng say trong công việc, nêu cao tinh thần rèn luyện sức khỏe, giữ tâm thế tự tại trước cuộc sống.
Trong sự nghiệp thơ văn đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ tự thọ có số lượng không lớn (5 bài) nhưng mang nhiều giá trị độc đáo, thể hiện sinh động nhiều phương diện về con người vĩ đại và nhân cách thanh cao, tâm hồn cao đẹp của Bác. Mừng sinh nhật Bác, đọc lại những vần thơ Bác viết năm xưa, ta càng học được ở Người nhiều bài học sâu sắc.
Phạm Khánh Ngân
Ý kiến bạn đọc