Multimedia Đọc Báo in

Nhớ tháng mười hai Tây Nguyên

06:07, 29/12/2021

Tháng mười hai, thời gian trôi không chỉ trên tờ lịch đang ngày càng mỏng đi, mà còn trôi trên cái ẩm ướt còn sót lại của mùa mưa đang dần biến mất, trôi trên làn da đang cảm nhận được sự bắt đầu của Tây Nguyên khô nắng, hanh hao. Trên vùng đất này, mùa cuối năm có những điều để nhớ: hoa dã quỳ và hương cà phê thơm nức trên những con phố quanh co.

Tây Nguyên vào cuối năm, đâu đâu cũng rực vàng màu hoa dã quỳ - và đó là câu chuyện râm ran của núi rừng. Truyền thuyết kể xưa có chàng K’Lang yêu nàng H’Limh. Trời làm hạn hán, vạn vật héo khô. Chàng từ biệt người yêu đi tìm nước cho buôn làng. Ðã bao mùa trăng đi qua, chờ hoài không thấy K’Lang về, nàng H’Limh quyết định đi tìm người yêu. Nàng đi qua bao nhiêu con suối, cho đến khi tới ngọn núi trên dãy Thiên Ðường thì kiệt sức. Nơi H’Limh nằm xuống mọc lên loài cây lạ, trổ hoa vàng rực. Người đời sau gọi là hoa dã quỳ. “Dã” có nghĩa là hoang dã,  “quỳ” có nghĩa là gục xuống. Dã quỳ có nghĩa là chết trong rừng hoang.

Dã quỳ khoe sắc nơi buôn làng. Ảnh: Hoàng Gia

Hoa dã quỳ tượng trưng cho ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, sức sống mãnh liệt, tình yêu thủy chung, son sắt... Từ đó, cứ độ tháng mười một, mười hai, dã quỳ lại bung nở như những vầng mặt trời bé nhỏ lung linh khắp triền đồi Tây Nguyên, nhắc lại chuyện tình năm xưa. Dã quỳ có ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, nhưng chẳng ở đâu, dã quỳ lại đượm màu và dồi dào sức sống như ở Tây Nguyên. Là loài hoa của nắng, dã quỳ sống giữa đại ngàn, chẳng ai trồng, cũng không ai vun bón, chỉ sống bằng câu chuyện huyền thoại kia, để cứ mỗi cuối năm lại mạnh mẽ vươn mình mãnh liệt.

Loài hoa hoang dại này dường như đã gom hết nắng để một lần khoe sắc, bùng lên rực rỡ. Hoa dã quỳ trải trên những ngọn núi thảm vàng ngập ngời. Những ngọn đồi, đỉnh núi Tây Nguyên như không có gì ngoài những thảm vàng trải rộng ra đến tận chân trời. Hoa kết thành vòng cho đôi lứa tặng nhau. Hoa cùng bản làng múa bên bếp lửa điệu Kông Kor, hoa múa theo tiếng chiêng Aráp, theo điệu hát Ayray, theo nhịp trống H’gơr, hoa múa, bay lượn tuyệt đẹp như con chim Grưh... Ở miền cao nguyên khoáng đạt này, hoa dã quỳ là một phần của cuộc sống, gắn bó với tâm hồn từng người con đất đỏ.

Tháng mười hai ở Ban Mê, cà phê đang vào độ chín rộ, những vườn cà phê trĩu quả lựng đỏ trĩu cành. Hương cà phê thơm lừng từ vườn, từ ngôi nhà lưng chừng núi bay theo gió vướng vít môi người. Hương cà phê Ban Mê thường gắn với phố núi quanh co. Con phố lãng đãng, từng góc phố trở mình trong cơn heo may.

Bao giờ phố mùa đông cũng có hơi thở và nhịp điệu riêng như thế. Phố mùa đông Ban Mê là phố của ký ức quanh co chảy mãi về chân trời những kỷ niệm xưa cũ và như mới hôm qua. Trên những con phố, cây cối thưa thớt lá khiến lòng người trống vắng. Sương giăng từ sớm không nhận ra bóng núi, như thể muốn che khuất ký ức và tiếp đó gió thổi điềm nhiên khi nắng sớm vừa lên như chưa hề nuối tiếc điều gì.

  Hồ ĐăngThanh Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.