Multimedia Đọc Báo in

Tím màu ký ức

15:57, 05/03/2022

Tôi lại trở về cái làng nhỏ bé của quê hương rơm rạ đã nuôi tôi từ tấm bé. Đi trên con đường ngoằn ngoèo, nho nhỏ chạy dọc triền sông rợp bóng tre xanh râm mát, lòng tôi xuyến xao bao nỗi thương nhớ đồng quê.

Làn gió từ xa ùa tới xào xạc lũy tre và đâu đây thoang thoảng mùi rất lạ mà chốn thị thành ít có. Ngước nhìn lên mấy cây xoan trước ngõ, tôi chợt nhận ra cái mùi ngai ngái ấy tỏa ra từ ngọn xoan. Mấy cây xoan gốc sần sùi, già nua trước ngõ trong những tháng ngày đông giá rụng trụi lá, thân cành khô khốc, khẳng khiu khiến người ta cứ tưởng cây bị chết đứng, thế mà giờ đây đã phủ màu xanh rì ngút ngát. Thông thường hoa xoan nở rộ tháng ba nhưng năm nay mới giêng hai hoa đã phủ kín.

Từng chùm hoa tim tím tí xíu đung đưa nhịp nhàng theo những cơn gió nhẹ đã gợi cho tôi bao nỗi nhớ mênh mang! Thứ hoa ở trên cao vời vợi, ít ai có thể hái được, không quý phái kiêu sa, không dịu dàng ngây ngất, không rực rỡ khoe màu, không rủ rê, níu kéo mà lại làm cho bao người phải chạnh lòng đến thế.

Cũng vào giữa mùa hoa xoan nở năm nào, tôi xa nhà. Ngày ấy, vai mang chiếc ba lô với vài bộ quần áo cũ rích, mẹ tiễn tôi ra đầu ngõ, móc chiếc túi rút được ghim chặt trong tấm áo sờn vai, bạc màu gió sương lam lũ đưa tôi mấy tờ tiền làm lộ phí. Mắt mẹ ngân ngấn nước đã làm cho đôi mắt của tôi cũng cay xè. Thỉnh thoảng những cánh hoa xoan rơi nhẹ nhàng, bu bám trên mái tóc của tôi, mẹ lấy tay phủi phủi…

Minh họa: Trà My

Trưa làng quê tĩnh lặng. Thi thoảng mới có tiếng xành xạch vài chiếc xe máy chạy qua con đường trước nhà rồi không gian trở lại im ắng. Chú trâu đen trũi nằm phủ phục dưới gốc xoan phe phẩy đuôi xua đuổi ruồi nhặng, mồm trệu trạo nhai. Những cánh hoa xoan phơn phớt màu tím trắng tinh khiết, khiêm nhường của hương đồng gió nội.

Ngẫm nghĩ mới hay trong những ngày xưa cũ, thuở ấu thơ của lũ trẻ chúng tôi vô cùng gắn bó với cây xoan, bởi cứ đến độ đom đóm lập lòe quanh vườn, tiếng tu hú sau đồi sim cằn cỗi vọng lại rời rạc thì hoa xoan bắt đầu tàn lụi, để lại trên các chùm hoa ấy lú nhú vô vàn quả non tơ. Chim sẻ, chim dồng dộc bỗng chốc tha rác từ đâu về xây tổ trên các cành cây xoan um tùm lá biếc.

Nếu ai đã từng thấy tổ chim dồng dộc rồi mới biết loài chim hoang dã thường kiếm ăn ở các bãi lau sậy ven sông này chính là những tay “kiến trúc sư” đồng thời là “người thợ” lành nghề đầy tinh xảo. Chúng đan tổ vô cùng kỹ thuật, bố trí tổ có chỗ đẻ trứng, có “cửa vào, lối thoát hiểm”. Phía bên ngoài còn làm “chiếc võng” để con tập bay khi quay về đậu. Tổ chim dồng dộc treo lơ lửng, đung đưa trên các cành cây nên rất dễ thấy. Đợi khi nghe có tiếng chim non ríu rít, tôi sè sẹ trèo lên cây xoan gỡ tổ, bắt chim non để nuôi làm cho mẹ không biết bao lần rầy la, mắng mỏ. 

Cánh đồng lúa xanh rờn, mướt mát sau lưng nhà đang lô xô giỡn sóng. Tôi trải những bước chân trên con đường làng thân thương quen thuộc có những hàng xoan vươn cao nhiều năm tuổi như để được đội những vòm hoa xoan tím ở trên đầu. Dưới mặt đường, hoa xoan cánh trấu vẫn rơi rụng bời bời trong nắng ấm. Màu tím trắng u buồn pha lẫn mùi hương đăng đắng ẩn khuất sự xót xa của hoa xoan càng dội vào lòng những đứa con xa quê bao thổn thức, bao nỗi niềm thương nhớ!

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.