Multimedia Đọc Báo in

“Núi Hoa” khoe thắm sắc hương

09:24, 21/01/2024

Huyện Cư M’gar có lẽ là một trong số ít các địa phương tổ chức thường xuyên và hiệu quả trại sáng tác thơ văn cho học sinh và thanh thiếu niên vào mỗi dịp hè.

Tính đến nay, Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa đã có 26 lần tổ chức, nhiều bài thơ, áng văn hay của các em đã được chọn in trên báo chí và trong các tuyển tập.

 

Hơn 400 tác phẩm thơ và văn xuôi gồm truyện ngắn, tản văn, ghi chép, bình luận… với đề tài phong phú, cách viết đa dạng - đó là một thành quả đáng ghi nhận của các trại sáng tác thơ văn Núi Hoa giai đoạn 2015 - 2024. Trại viên Núi Hoa chủ yếu là học sinh từ các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.

“Tuyển tập thơ – văn Núi Hoa” chào mừng 40 năm thành lập huyện Cư M’gar (24/01/1984 – 24/01/2024) đã giới thiệu 44 bài thơ và 22 tác phẩm văn xuôi được tuyển chọn cẩn trọng của một số tác giả tiêu biểu nhất.

Về thơ, đó là các trại sinh H’Lagi Mlô, Nguyễn Đức Pho, Nguyễn Phương Uyên, H’Cúc Êban, Bùi Lê Kim Ngân, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hải Yến... Về văn xuôi, có thể kể đến những gương mặt như Cẩm Giang, Ngô Quốc Khánh, Đinh Thị Minh Phương, Phan Thùy Dung, Nguyễn Vy Thúy, Triệu Thị Oanh, Lưu Thị Thu Phương…

Đề tài thơ của các tác giả rất phong phú và đa dạng. Nhiều tác phẩm ca ngợi quê hương Đắk Lắk, cảnh đẹp thiên nhiên và con người huyện Cư M’gar.

Ở mảng thơ này có “Đắk Lắk quê hương em” của Trương Thị Như Ái, “40 năm Cư M’gar” của Đặng Thị Ngọc Bích, “Quê hương Cư M’gar” của Nguyễn Thị Hải Yến, “Cư M’gar đổi mới” của Lương Thị Mỹ Duyên...

Ngoài những đề tài lớn về quê hương, đất nước, môi trường sinh thái, lịch sử và chiến công cách mạng, trại sinh Núi Hoa cũng dành nhiều trang viết về những gì đang diễn ra trong cuộc sống đời thường.

Phạm Thị Ngọc Ánh với bài thơ “Tuổi học trò” nhiều ước mơ bay xa, nhiều yêu thương trong tình bạn. Bùi Lê Kim Ngân cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân và sự khác biệt giữa hai miền Nam, Bắc qua thi phẩm “Dáng xuân” rất có nét riêng. Trần Thị Minh Thư với bài “Tuổi thơ” thật đẹp về hình ảnh cùng thể thơ năm chữ nhỏ nhắn, dễ thương.

Đề tài viết về nhà trường có em H’Bia Kbuôr với bài “Thầy tôi” sâu nặng công ơn người thầy bằng lời thơ vô cùng hồn nhiên, mộc mạc. Tác giả H’La Gi Mlô có sự cảm nhận tinh tế về cuộc sống trong một ngày mới bình thường, đơn giản nhưng thật xúc động trong “Chào ngày mới”. Nguyễn Hoàng Ngọc Linh có hai bài thơ “Yêu cha” và “Tuổi thơ” rất khá, khơi gợi tình yêu bao la của người cha đối với con mình. Cha chính là ngọn lửa tâm hồn để con được sưởi ấm. Tình cảm cha con hóa thành ngọn lửa thiêng liêng, đẹp đẽ và nâng cánh ước mơ.

Văn xuôi của Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa trong vòng mười năm trở lại đây phản ánh cuộc sống và tâm lý lứa tuổi học trò cũng như cảnh sắc và con người nơi miền đất Cư M’gar xinh đẹp. Đó là những kỷ niệm về mái trường, thầy cô, bạn bè (Mùa hè trong tôi – Nguyễn Kim Anh); là lòng biết ơn và yêu thương mẹ cha, gia đình, nhất là người mẹ hy sinh cho con cái (Tôi… ghét mẹ tôi – Lê Vy Thúy); là kỷ niệm về một chuyến đi tham quan không thể nào quên (Chuyến đi đáng nhớ - Nguyễn Thị Thu Trang)…

Dù chưa phải đã hình thành phong cách chững chạc, nhưng mỗi tác giả văn xuôi đều có cách nhìn nhận cuộc sống với giọng văn riêng. Có tác phẩm đã ghi chép được những nét tiêu biểu, độc đáo về cảnh và người Tây Nguyên, gắn với tình cảm mến yêu, biết ơn các thế hệ cha ông đi trước. Có tác phẩm mang hoài niệm riêng của tác giả khi khắc họa tình bạn và những rung động đầu đời của tuổi học trò bằng giọng văn khá chững chạc: “Thy” của Nguyễn Thị Cẩm Giang. Đặc biệt, với niềm vui và sự thích thú khi được tham quan và trải nghiệm văn hóa của người Êđê để em Hoàng Thị Minh Anh có được một bút ký khá hay: “Một ngày ở nhà dài Hoa hậu H’Hen Niê”.

Có thể nói, nội dung trong thơ văn của Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa vô cùng phong phú, đề tài nào các em cũng viết với một tấm lòng trong sáng, hồn nhiên. Ngoài những thành quả đạt được về số lượng và chất lượng, thơ văn của các trại sinh nhìn chung vẫn mang những đặc điểm lứa tuổi thiếu niên nên chưa đều về giá trị nghệ thuật, một số tác phẩm phải biên tập thêm để giúp các em có ý thức khi sử dụng ngôn ngữ sáng tác, cách hành văn. Song, nhìn một cách tổng thể, so với lứa tuổi học trò, “Tuyển tập thơ - văn Núi Hoa” lần này đã có được những bài thơ, những tác phẩm văn xuôi khá chững chạc về mặt nghệ thuật. Điều dễ nhận thấy đầu tiên chính là tính hồn nhiên, thơ ngây trong cách nhìn, cách cảm của các em về cuộc sống.

Hy vọng rằng, các tác giả được tuyển chọn lần này sẽ tiếp tục có những sáng tác mới về mảnh đất Cư M’gar yêu quý, góp phần làm đẹp hơn diện mạo văn học của Trại sáng tác thơ văn Núi Hoa.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc