Multimedia Đọc Báo in

Những lấp lánh trẻ thơ trong “Cánh diều hình nốt nhạc”

17:30, 02/03/2024

"Có bao nhiêu cô cậu bé vừa chạm vào cuốn sách này và cảm thấy thích thú?". Khi vừa lật trang đầu một quyển sách, gặp ngay lời tựa đầy thách thức này, bạn có lúng túng không?

Hay bạn sẽ tò mò với cậu bé Đèn Pha trong "Cánh diều hình nốt nhạc", những thắc mắc của một đứa trẻ có cha thường vắng nhà để làm nhiệm vụ của một người lính biên phòng, cứ trùng trùng điệp điệp, hết lớp này đến lớp khác, đầy bất ngờ và đầy bí ẩn.

Ảnh: Hồng Hà

Câu chuyện, nhờ thế, trở thành thăm thẳm như không có đáy của 143 trang sách, với nhiều "chương" như những truyện ngắn, gắn với nhau bằng những "lấp lánh" trẻ con.

Vì khi bố vắng nhà, Đèn Pha chơi với ông ngoại. Ông ngoại của Đèn Pha cũng chính là ông già biết tuốt. Mẹ bảo, cái gì không biết cứ hỏi ông ngoại.

Từ xe của mẹ kêu lọc cọc đến những quyển sách màu vàng, "cũ cũ trên giá sách". Những chương, là những truyện ngắn, những câu chuyện của trẻ em mà người đọc không để ý đến, cho đến khi đọc "Cánh diều hình nốt nhạc" bỗng giật mình, vì tác giả Niê Thanh Mai đã biến chúng thành văn chương.

"Khi bạn có đứa em gái... chẳng có gì phức tạp hơn" bởi vì Đèn Pha không hiểu sao con bé Mì lại là em gái của mình. "Bạn thân là phải thế" vì khi ông ngoại chở Đèn Pha đến trường đã có anh em nhà Một Chấm ở đó "chờ" mình. "Những con ve inh ỏi" vì mùa hè đến, Đèn Pha được Y Tuân dắt ra con suối với những tảng đá màu xám làm cho cậu bé nghĩ mình đã trưởng thành.

Nhà văn Niê Thanh Mai, từ tác phẩm đầu tiên "Suối của rừng", đến "Về bên kia núi", "Phía nào sương thôi rơi"... với những rung động, suy tư về một Tây Nguyên cổ tích, luôn rất thành công khi dựng truyện/chuyện từ những sự việc hay nhân vật rất bình thường trong đời sống. Và bây giờ, "Cánh diều hình nốt nhạc", truyện thiếu nhi đầu tay của nữ nhà văn này cũng vậy.

Từ một cậu bé Đèn Pha mà chúng ta có cả chuyến đi thăm các chiến sĩ bộ đội biên phòng, từ một người bắt cá trên dòng suối mà chúng ta có cả một ngôi trường lấp lánh những đứa trẻ tinh nghịch. Nhà văn như một người đi bộ vẫn có cả một đám mây trên trời, rồi dựng lên những truyện ngắn, lạ và đặc sắc.

Dù là truyện hay chuyện, không khí Tây Nguyên luôn luôn bao trùm văn chương của Niê Thanh Mai. Tây Nguyên của những người lính biên phòng hiện ra, cuốn hút người đọc qua đôi mắt đầy tò mò, háo hức trẻ thơ, do một người làm nghề kể. Những kỹ thuật khác của văn chương đương đại, có, nhưng luôn luôn là yếu tố phụ. Những điểm nổi bật trên đây đã tạo cho tác phẩm của nhà văn có một chỗ đứng riêng biệt trong văn học Việt Nam.

"Cánh diều hình nốt nhạc" của Niê Thanh Mai luôn xao xác vì gió thổi, vì một đứa trẻ hết ngước nhìn trời nhìn mây bay, lại cúi xuống đất xem mình chạy tới đâu và nhìn cuộc sống nở ra những cánh hoa, li ti nhỏ xíu mà màu sắc sáng ngời. Đó là những chiêm nghiệm của tự thân tác giả, và cũng là chiêm nghiệm chung cho những người làm văn học nghệ thuật, hay bất cứ ai đã phấn đấu, đã đam mê, đã sôi nổi trong một khoảng đời dài cùng Tây Nguyên.

Vì cùng với thời gian, cuộc đời luôn là một trộn lẫn của tình yêu quê hương với tình yêu cụ thể của một hay những vùng đất, những con người từng sống từng gặp. Nhìn cái hôm nay nghĩ đến cái hôm qua, nhìn thật hơn về cái khổ, cái sướng của mình, của dân tộc mình, và “những cái cây ngoài vườn”, “cái ổ rồng kỳ lạ” của Đèn Pha (hay của nhà văn?) làm cho người đọc khi gấp sách lại, là hình dung ra chính mình của hai mươi, ba mươi năm trước, hay sẽ là hai ba mươi năm sau?

Người đọc nghĩ lại cái ngày hôm nay, nghĩ lại cuốn sách đã đọc, nghĩ lại những nơi đã ở, những việc đã làm, những người đã gặp, những người đã đi, như những ước mơ bé con được Niê Thanh Mai ghi lên bìa sách: “con diều được làm từ thứ vải dù rất đặc biệt của các chú bộ đội. Nó vốn là chiếc dù bị rách vì được sử dụng trong tập luyện rất lâu rồi. Đèn Pha thầm ước một ngày nào đó, mình cũng sẽ sở hữu một con diều màu xanh lá cây xinh đẹp và bay cao như thế”.

Lê Vĩnh Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.