Bài ca về tình yêu và hạnh phúc trong “Lưng núi mùa xuân”
Tập truyện ngắn “Lưng núi mùa xuân” được ấn hành năm 2024 là tập sách thứ 7 của nhà văn Bích Thiêm (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk).
Với 33 truyện ngắn, nhà văn Bích Thiêm đã kể những câu chuyện về tình đời, tình người với những niềm vui, nỗi buồn đan xen bằng lối kể chuyện tự nhiên, văn phong dung dị. Tình tiết giản đơn, mộc mạc, các câu chuyện cứ thấm dần vào tim độc giả bao nỗi niềm buồn vui của những con người mà chúng ta vẫn thường gặp trên đường đời.
Trong những trang văn êm dịu ấy, bức tranh mùa xuân dần hiện ra muôn màu muôn vẻ như một bài ca về tình yêu và hạnh phúc. Ở đó, độc giả chứng kiến mối tình đẹp và trong trẻo như hoa mơ, hoa mận bung nở trong tiết trời đầu xuân trên miền rẻo cao của Dìn và Mỷ: “Mỷ cười với Dìn bằng ánh mắt lấp lánh. Dìn vít cần lần thứ hai. Lại thấy trên môi ấm mềm vị ngọt mật ong. Rồi lại vít, lại trao. Tiếng nói cười, tiếng người gọi nhau nghe rộn rã, không khí ấm sực nồng nàn hơi men cùng sự ngất ngây của trời đất, cỏ cây” (Lưng núi mùa xuân).
Truyện “Xuân về” khiến người đọc xao xuyến về chuyện tình của Lan và Toàn. Trải qua bao sóng gió với những hiểu lầm chồng chất, họ tưởng sẽ mất nhau vĩnh viễn. Nhưng với tình yêu son sắt và lòng thủy chung, họ tìm thấy nhau khi tuổi đã xế chiều. Ta không khỏi ngậm ngùi với những giọt nước mắt, những thổn thức nhớ thương của người đàn ông khi người bạn đời cùng ông trải qua bao quanh co, khuất lấp của cuộc đời: “Sau một chặng đời phiêu bạt nơi xứ người, ông trở về quê nhà với vóc dáng phong sương và một trái tim đầy nỗi nhớ thương người bạn đời của mình”.
Nỗi đau tưởng sẽ không bao giờ vơi cạn, nhưng may mắn thay, định mệnh đã đưa nàng đến để xoa dịu nỗi đau trong ông: “Ánh mắt long lanh ấy đang nhìn ông chờ đợi. Không có người yêu thương bên cạnh sẽ là điều bất hạnh lớn biết bao. Ông siết chặt hơn bàn tay của nàng và khẽ thầm thì “Cảm ơn em. Mùa xuân này mình đã có nhau”. Ở đề tài này, tác giả muốn gửi thông điệp đến bạn đọc, chỉ cần sống tốt, tin tưởng và hy vọng, hạnh phúc và tình yêu sẽ đến với mọi người.
Nếu những câu chuyện mà tác giả viết về tình yêu và hạnh phúc gieo vào lòng độc giả sự thư thái, bình an thì những trang văn viết về nỗi đau của người phụ nữ bị đứt gãy trong hôn nhân luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc lại khiến người đọc day dứt và ám ảnh. Ở đề tài này, tác giả viết như một sự giải tỏa những cảm xúc, từ đó những ẩn ức của cuộc đời cũng được tuôn trào.
Truyện “Cơn đau không đặc hiệu” kể về cuộc đời đa đoan của Nụ, cô đã qua một lần đổ vỡ, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi cô gặp và yêu Tằng, cả hai cùng tìm thấy ở nhau sự đồng điệu về tâm hồn và hoàn cảnh. Nhưng người đàn ông Nụ yêu không vượt qua được cám dỗ, Tằng hai lần quay lưng với Nụ, tay trong tay cùng người đàn bà khác đã để lại một nỗi đau âm ỉ và một khoảng trống mênh manh trong trái tim Nụ, nỗi đau ấy đã trở thành cơn đau không đặc hiệu của riêng mình. Truyện “Hai người đàn bà” tưởng như chỉ là chuyện tình tay ba nhưng rốt cuộc hai người đàn bà cùng chung một nỗi đau, bị phản bội bởi người đàn ông “có mới nới cũ”.
Nhưng ở đó, ta thấy sự bao dung của “chính thất” khi “người thứ ba” rơi vào cảnh ngộ của mình trước đây. Không một lời chỉ trích hay tỏ thái độ hả hê mà ngược lại, với lòng bao dung, chị xót xa, đồng cảm và an ủi người đã từng phá vỡ hạnh phúc gia đình mình “Hãy dựa vào con, em à. Chăm con cho tốt. Con cái và công việc sẽ cho em niềm vui, sẽ có ai đó xứng đáng để cho em yêu thương và trao gửi”. Cứ như thế, mỗi truyện là lát cắt cuộc đời, chứa đựng nhiều trắc ẩn như một mạch nước, rỉ rả thấm dần vào tim độc giả những bi kịch đắng đót, éo le của từng nhân vật.
Với những truyện về đề tài chiến tranh, tác giả dẫn dắt người đọc bằng thái độ điềm tĩnh, vừa kể vừa tả. Trong truyện “Đồng đội - tri âm”, với cách dẫn chuyện chậm rãi, tác giả đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Người đọc sẽ cảm nhận sâu sắc những nỗi đau, mất mát, sự hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn của các nữ thanh niên xung phong.
Nhân vật Tâm và đồng đội đã trải qua những ngày tháng đầy cam go và khốc liệt của cuộc chiến. Cuộc sống ở Trường Sơn vất vả và gian khổ “…Rồi những cơn sốt rét bắt đầu lần lượt quật từng người một. Những mái tóc óng ả ngày nào giờ xơ xác và rụng gần hết. Làn da ai cũng tái mét. Những đêm mưa phùn gió bấc cắt thịt cắt da, các chị vẫn ngâm mình dưới suối làm cọc tiêu sống chỉ đường cho xe ta qua an toàn…”.
Gian khổ là thế nhưng Tâm và đồng đội với nghị lực phi thường và đời sống tình cảm phong phú, luôn lạc quan, vui vẻ và hồn nhiên rạng rỡ bởi tình cảm đồng chí, đồng đội trao nhau. Truyện “Mái nhà của mẹ” là câu chuyện đậm sâu giữa tình cảm gia đình và tình yêu đất nước. Anh nhập ngũ khi vừa học xong lớp 10 và đã hy sinh trong một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị, linh hồn của anh đã về bên mái nhà thân thương, trong anh trào dâng cảm xúc khi anh hy sinh bao năm nhưng tình yêu thương của cha mẹ vẫn dành vẹn nguyên cho mình.
Có thể nói, với tập truyện ngắn “Lưng núi mùa xuân”, Bích Thiêm đã có những bước đột phá và đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả.
Ánh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc