Trong nỗi nhớ “Vàng xưa”
“Vàng xưa” là tuyển tập văn xuôi của Nguyễn Thị Hòa do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2024, gồm 21 bài tản văn, bút ký chọn lọc, phần lớn xoay quanh đề tài học đường, và một số loài hoa được diễn đạt bằng nguồn cảm hứng thẩm mỹ văn chương.
Nguyễn Thị Hòa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1975. Chị từng dạy học tại Trường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt. Yêu nghề, yêu trường lớp nên những trang văn của chị luôn dạt dào cảm xúc về những câu chuyện bên tà áo trắng, hàng phượng xưa, trang lưu bút, con đường đi học… Ngay khi tập sách “Vàng xưa” vừa ra mắt, tác giả đã nhận được những sự chia sẻ chân tình của các bạn đồng nghiệp, đồng môn: “Là học sinh (và là học sinh giỏi), rồi thành cô giáo (và là giáo viên giỏi), cô đã dành hơn 220 trang sách để viết về nhà trường vì cô cho rằng “nhà trường là ngôi nhà thứ hai của chúng ta”. Cô nhớ vanh vách ngôi trường tiểu học, nhớ tên từng bạn (hình dáng, tính tình), nhớ từng thầy cô, nhớ từng bài học, nhất là các bài học thuộc lòng. Lớn lên chút nữa, cô vào học Trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ nổi tiếng của xứ Huế. Cô vẫn kể được chuyện bạn bè, thầy cô với những cảm xúc của một cô gái tuổi dậy thì. Lúc này, những cảm nhận của cô sắc nét hơn, diễn tả qua giọng văn ngọt ngào, mượt mà hơn. Kèm bài viết là những hình ảnh cô lưu giữ về ngôi trường tiểu học, về các bạn, các thầy cô” (Thân Trọng Sơn).
![]() |
Bước vào thế giới “Vàng xưa” của Nguyễn Thị Hòa, thật thú vị khi gặp ở bài viết “Trường xưa phượng đỏ”, nhắc lại kỷ niệm khi tác giả vào đệ thất Đồng Khánh (năm 1964) có đoạn: “Lòng xúc động ngập tràn, tôi ngước mắt nhìn hai dãy lầu nguy nga quét vôi hồng sẫm mà nghĩ thầm: Dù sao cuối cùng ta cũng tới được nơi từng mơ ước, từ đây sẽ có được 7 năm yên vui trong ngôi trường danh tiếng. Không có một biểu ngữ nào chào mừng 7 lớp đoàn đệ thất chúng tôi, nhưng tôi đã đọc được điều này trên các tàn phượng (những chiếc lá phượng mềm rung rinh trong gió thu, chẳng phải là những riềm mi nhấp nháy, gởi những lời chào thân ái, tinh nghịch và lặng thầm đến với chúng tôi?)”. Nhắc lại ký ức về ngôi trường tuổi nhỏ, tác giả nhớ rành rọt từng chi tiết cả bác cai trường tên Doãn: “… bác có ngôi nhà tranh vách đất ở ngay trong trường. Thường ở đó tôi mua được những cái kẹo gừng nóng dẻo, thơm phức mùi gừng do bác tự sản xuất. Khi nào hết mực chấm trong các lọ gắn sẵn vào bàn, chúng tôi lại hốt hoảng chạy đi tìm bác để bác đổ mực vào cho. Bác thấy tôi thích đánh trống, thường nhường dùi trống cho tôi đánh 3 tiếng chấm dứt giờ chơi, nhưng tôi chưa bao giờ dám làm việc đó. Bác biết mặt dù 4 chị em tôi ôm về 4 phần thưởng cuối năm. Ngày nay chẳng biết bác có còn?” (Ngày thơ đi học). Năm cuối cùng của bậc Trung học đệ nhị cấp, tác giả viết về cái bảng tên gắn trên áo học trò thật vô cùng ấn tượng: “Không biết ai nghĩ ra màu chỉ viền bảng tên cho đoàn đệ nhất là màu tím? Màu tím đẹp mà buồn, đóng khung những cái tên chúng tôi như những nỗi buồn đang vây bọc tâm hồn mỗi đứa. Trước mặt chúng tôi là chia tay tan tác cuối đường mỗi đứa một phương. Sẽ có những người bỏ lại đàng sau một thời thiếu nữ để chăm lo bổn phận làm vợ, làm dâu. Bảy năm yên vui trong ngôi trường phượng đỏ đã sắp đến ngày chấm dứt. Áo trắng bảng tên này phải xếp lại, cũng xếp lại những năm tháng hồn nhiên thơ mộng của một đời người” (Áo trắng tóc thề và tri thức).
Đáng chú ý, ở tập sách “Vàng xưa”, theo nhà thơ Hồ Sĩ Bình: “Có rất nhiều nhà văn viết về Huế, nhưng với Vàng xưa, bạn đọc sẽ thấy sâu đằm một Huế khác, ở một góc nhìn khác. Huế của tác giả là một không gian cụ thể: Những cây lá làm nên “mùi của Huế”. Sắc nắng màu trời của Huế thấm đậm sâu trong thịt da những con người thuần Huế được thể hiện qua những trang văn: Cảm xúc tháng 2, Xuân này nhớ xuân xưa, Hoa ngũ sắc, Vàng xưa, Khi lá về với cội”.
Ngoài chủ đề trường lớp, “Vàng xưa” còn dành nhiều trang viết đầy cảm hứng về hoa. Trong đó, qua những tản văn như: “Hoa trắng trong vườn cũ”, “Đà Lạt những mùa hoa”, “Hoa cát đằng”, “Hoa ngũ sắc”..., chúng ta có dịp gặp gỡ đủ loài hoa dân dã, hoang dại. Từ hoa anh đào Pensée, forget me not, phượng tím đến bìm bìm, lùng dong, dành dành… mà những vẻ đẹp tiềm ẩn của hoa càng thức dậy lòng yêu thương từ phía người thưởng ngoạn.
Tập sách “Vàng xưa” có thể được xem là một món quà ý nghĩa đáng trân trọng dành cho mỗi người từng trải qua tuổi học trò hoa mộng, tựa như nỗi niềm nhà văn Nguyễn Thị Hòa đã bày tỏ: “Một ngày khuất xa, mang nhiều nhớ thương ngậm ngùi với hương hoa cây cối vườn cũ, chôn lấp rất sâu trong tầng tầng lớp lớp ý thức bổn phận và trách nhiệm, ký ức hạnh phúc và khổ đau của cuộc đời dàn trải hơn 70 năm. Hôm nay tôi đứng đây mà nhớ…”.
Trần Trung Sáng
Ý kiến bạn đọc