Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột - từ những dấu tích xưa…

13:52, 29/08/2021

Là vùng đất có lịch sử hình thành địa chất và xã hội từ rất lâu đời, trải qua những biến thiên của thời gian, dù đã có nhiều đổi thay nhưng Buôn Ma Thuột vẫn giữ lại trong mình những dấu tích xưa giữa sự phát triển năng động của thành phố hiện đại, giàu bản sắc…

Theo các nhà dân tộc học và khảo cổ học, cao nguyên Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng ít nhất cũng đã có 4.000 năm tuổi. Để có được nhận định này, rất nhiều cuộc nghiên cứu điền dã lẫn khai quật của các nhà dân tộc học và khảo cổ học đã được tiến hành với mục đích tìm kiếm những dấu tích cư trú, làm nông nghiệp của cư dân cổ ở đây thời tiền sử. Qua những lần đào thám sát, khai quật tìm hiểu về vùng đất Buôn Ma Thuột, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hàng trăm công cụ lao động bằng đá, hàng trăm mảnh tước, hàng nghìn mảnh gốm và cả dao đồng.

Những hiện vật khảo cổ học tiền sử ở đây cho thấy sự đa dạng về loại hình và phong phú về chất liệu và có thể khẳng định Buôn Ma Thuột là vùng đất cổ, có con người hậu kỳ đá mới sinh sống, có sự tương đồng về di tích và di vật; là dấu hiệu của một văn hóa khảo cổ thống nhất. Để từ đó, các nhà khảo cổ học tạm xếp các di chỉ khảo cổ học ở cao nguyên Buôn Ma Thuột vào một đới văn hóa: văn hóa Buôn Ma Thuột…

Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Đó là câu chuyện về hàng nghìn năm trước, cách đây gần hơn nữa, theo một số tài liệu nghiên cứu, khoảng cuối thế kỷ XIX, vùng đất này chủ yếu chỉ có người Êđê sinh sống. Kinh tế của đồng bào Êđê nơi đây về cơ bản vẫn là tự cung, tự cấp nhưng cũng đã xuất hiện các mối quan hệ, giao lưu kinh tế giữa các vùng. Một số tù trưởng giàu mạnh, nắm giữ thế lực còn có ảnh hưởng rộng rãi và chi phối đến nhiều buôn lân cận, tạo nên những vùng kiểm soát riêng biệt của mình.

Vùng trung tâm Buôn Ma Thuột vốn là buôn của đồng bào Êđê Kpă, do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Đây là một buôn lớn với khoảng 50 ngôi nhà dài và trên 2.000 dân, nằm trên vùng gò đồi màu mỡ cạnh dòng suối Ea Tam. Do ảnh hưởng và thế lực lớn của tù trưởng Ama Thuột, các buôn làng lân cận coi buôn này là trung tâm và tên gọi là Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ đấy. Và có lẽ với lịch sử hình thành như vậy đã tạo nên một trong những nét rất riêng của Buôn Ma Thuột đó là những buôn làng nằm trong lòng phố với địa hình, cảnh quan thiên nhiên hòa hợp đến diệu kỳ…

Đứng dưới bóng thời gian lịch sử, ngắm nhìn những đổi thay của Buôn Ma Thuột hôm nay càng ngỡ ngàng, chiêm nghiệm được rằng tinh hoa, hào khí từ quá khứ đã và đang được tiếp tục kế thừa, tỏa sáng, tạo nên niềm tin lớn, sức mạnh lớn trong quyết tâm bứt phá và phát triển thành một đô thị năng động và giàu bản sắc.

Trải qua quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng đã kề vai sát cánh, bền bỉ đấu tranh, lần lượt phá tan âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Đó là các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang do các vị tù trưởng lãnh đạo; một số phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của tầng lớp công chức, viên chức, trí thức, học sinh chống chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp; cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi ở Buôn Ma Thuột trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đó là cuộc đồng khởi phá kềm 1960 - 1961, phá ấp, giành dân giải phóng nông thôn 1964 – 1965; tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ-ngụy 1969 – 1972; cuối cùng là trận đánh mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - chiến thắng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975).

Trong suốt dặm dài lịch sử ấy, nhiều di tích là những chứng nhân, ghi lại những dấu ấn của các thời khắc, sự kiện trọng đại. Có thể kể đến như: Di tích 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại); Nhà đày Buôn Ma Thuột; Đình Lạc Giao; Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến; khu vực Tượng đài Mậu Thân 1968… cùng rất nhiều những chứng tích khác của vùng đất này, dù trải qua bao biến thiên của thời gian vẫn còn hiện hữu.

Học sinh dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến. Ảnh: Hoàng Gia

Từ nghìn năm vọng tới hôm nay để hình dung rõ thêm, sâu hơn hành trình tạo lập thăm thẳm của vùng đất nhiều huyền sử và cũng đầy anh dũng, kiên cường. Một hành trình dài lâu chuyển tiếp từ thời đại này qua thời đại khác không ngưng nghỉ mà bền bỉ, thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của lớp lớp thế hệ người đi trước.

Buôn Ma Thuột hôm nay đang vươn mình xây dựng, phát triển thành đô thị xanh, hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Cùng với việc giữ vững danh hiệu là thủ phủ cà phê của Việt Nam, trong 5 năm qua TP. Buôn Ma Thuột luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá, bình quân mỗi năm đạt khoảng 8,8%; các thành phần kinh tế đóng góp cho ngân sách trên 17.150 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 96 triệu đồng/người.

Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: đường vành đai phía Tây thành phố, đường Đông Tây, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên… Gần 60 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai với một loạt trường học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa mang tầm cỡ khu vực Tây Nguyên. Các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng được mở rộng và nâng cao…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.