Multimedia Đọc Báo in

Cầu nối yêu thương giữa đại dịch

07:00, 18/08/2021

Thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực trở thành cầu nối giữa tuyến đầu và hậu phương, giữa vùng phong tỏa và vùng an toàn nhằm nhân lên sức mạnh tập thể trong trận chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Chuyến xe yêu thương

Sau thời gian kết nối, gấp rút chuẩn bị, ngày 10-8, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhóm Thiện Tâm 47 và một số nhà hảo tâm hướng về xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) nhằm hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn và người dân thôn 8.

Trung tá QNCN Trịnh Thị Thanh Hải làm cầu nối cho các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ vật tư phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Lân Anh

Đúng như tên gọi “Chuyến xe yêu thương”, rất nhiều loại lương thực, thực phẩm (gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, giò chả…) được đóng gói gọn gàng, đặc biệt là các loại rau củ quả được sắp xếp khéo léo để quá trình vận chuyển đường xa vẫn giữ được tươi ngon, không dập nát. Bảo đảm an toàn trong quá trình phòng dịch, các phần quà được bàn giao tại điểm chốt để lực lượng chức năng mang trực tiếp tận nhà cho bà con.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hội viên phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối, gắn kết tình người, sự yêu thương để trong cuộc chiến khó khăn này không một ai bị bỏ lại phía sau” - Thượng tá Nguyễn Doãn Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 8 thông tin, sau khi ghi nhận 1 ca dương tính với bệnh COVID-19, cụm dân cư trên địa bàn thôn gồm 23 hộ dân bị phong tỏa, cách ly y tế từ tối 27-7 đến tối 10-8. Nhiều hộ kinh tế đã khó khăn, nay càng chật vật hơn vì dịch bệnh. Do đó thật xúc động khi suốt thời gian này, mọi nhu yếu phẩm cho bà con luôn được bảo đảm, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Cảm nhận rõ sự san sẻ, yêu thương của các đơn vị, cá nhân giữa khó khăn, bà con thêm yên tâm chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Kết nối tình người

Đặc thù công việc, phần lớn cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh công tác tại cơ quan Bộ Chỉ huy. Tuy vậy, hoàn cảnh các đồng đội trên biên giới cũng như cuộc sống bà con vùng biên luôn in đậm trong tâm trí các chị trong mỗi chuyến công tác. Biết đồng đội phải căng mình tuần tra, kiểm soát, dựng lều sống tạm giữa rừng để thực hiện nhiệm vụ kép trong phòng, chống dịch COVID-19, các chị càng đau đáu việc hỗ trợ, động viên tuyến đầu. Góp lửa yêu thương, các chị tích cực kêu gọi, vận động nhà hảo tâm bằng nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin, chia sẻ các bài viết trên trang mạng xã hội... để tìm sự đồng cảm.

Chương trình "Chuyến xe yêu thương" có mặt tại xã Ia R'vê để hỗ trợ người dân thôn 8. Ảnh: Lân Anh

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kết nối, tiếp nhận hàng tấn nhu yếu phẩm và trang thiết bị, vật tư y tế trị giá hơn 500 triệu đồng và hơn 90 triệu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân hảo tâm gửi đến nhân dân và các lực lượng tuyến đầu.

Trong đó, điển hình là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trịnh Thị Thanh Hải Tích. Từ tháng 4-2020, chị đã có nhiều chia sẻ về công tác chống dịch trên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ từ nhiều tập thể, cá nhân. Hơn 10 doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế trị giá hơn 400 triệu đồng và gần 60 triệu đồng tiền mặt cho công tác phòng dịch. Toàn bộ đã nhanh chóng được Bộ đội Biên phòng tỉnh chuyển đến cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn ở 4 xã biên giới của tỉnh.

Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, dù số lượng hội viên ít, kinh phí hoạt động có phần hạn hẹp nhưng chị em luôn tận tâm với công việc. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, hội viên còn rất nhiệt tình với công tác Hội, vận động nhau thường xuyên tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng. Giữa khó khăn của đại dịch COVID-19, tình người và ý thức cá nhân sẽ là liều thuốc hữu hiệu để cộng đồng cùng chung sức, chung lòng vượt qua tất cả.

Quỳnh Anh - Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.