Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương thành lập thêm các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19

18:25, 30/08/2021

Chiều 30-8, UBND tỉnh tổ chức họp về công tác phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo các Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Báo cáo tại cuộc họp, Sở Y tế cho biết, đến chiều 30-8, toàn tỉnh ghi nhận 1.046 trường hợp mắc SARS-CoV-2 tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó 765 trường hợp đang điều trị, 274 trường hợp xuất viện và 7 trường hợp tử vong.

Hiện toàn tỉnh đang có 5 cơ sở điều trị COVID-19, gồm: Bệnh viện Dã chiến số 1 đang điều trị 380 bệnh nhân; Trung tâm Y tế huyện Krông Búk đang điều trị 212 bệnh nhân; Bệnh viện đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar) điều trị 68 bệnh nhân; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đang điều trị 86 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị 12 bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả cho công tác điều trị trong bối cảnh số ca bệnh mới đang gia tăng, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh khẩn trương kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến mới tại Trường Chính trị tỉnh quy mô 700 giường, tại huyện Cư Kuin khoảng 200 giường và cho phép Bệnh viện Đa khoa Cao nguyên được chuyển đổi công năng và tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 khoảng 100 giường bệnh.

Đồng thời kích hoạt 50% các bệnh viện tuyến huyện với (1.500 giường bệnh) sang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành Phương án chi tiết năng lực điều trị bệnh nhân cấp độ 4, cấp độ 5 của hệ thống y tế toàn tỉnh.

Theo đó, kịch bản cấp độ 4 có từ 3.000 đến dưới 10.000 ca mắc trong cộng đồng; cấp độ 5 có từ 10.000 đến 20.000 ca mắc trong cộng đồng.

Ngành y tế sẽ thực hiện việc phân loại, tiếp nhận, điều trị và chuyển tuyến theo mô hình tháp 3 tầng điều trị COVID-19. Phát hiện, cách ly triệt để các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để khoanh vùng và xử lý kịp thời F1, F2 để giảm các trường hợp mắc mới.

phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu ngành Y tế phải rà soát công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch và có dự báo tình hình cụ thể trong thời gian tới, từ đó chủ động phương án ứng phó; rà soát và báo cáo UBND tỉnh về tình hình công suất giường bệnh và khả năng thu dung bệnh nhân của các cơ sở điều trị COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Y tế khẩn trương kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trường Chính trị với quy mô 1.000 giường bệnh; Bệnh viện dã chiến số 3 tại Ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội, phân hiệu tại Đắk Lắk với quy mô 500 giường bệnh, đảm bảo đáp ứng 2.500 giường điều trị tầng 1.  

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị kết luận tại cuộc họp
 Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị kết luận tại cuộc họp.

Đối với hệ điều trị tầng 2, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nâng quy mô của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk lên 200 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 quy mô 200 giường bệnh; Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh 100 giường bệnh. Hệ điều trị tầng 3 gồm Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh 20 giường bệnh và 90 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế và Sở Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ phục vụ công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 và một số hoạt động khác…

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.