Multimedia Đọc Báo in

Ra rẫy... cách ly

08:30, 14/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều người dân từ các tỉnh thành có dịch trở về đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác cách ly tại chòi rẫy, thậm chí dựng lều bạt ngoài ruộng nương để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Để tránh lây nhiễm dịch bệnh cho người thân và hàng xóm xung quanh, nhiều người dân thôn Bình Hòa (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) về từ vùng dịch cũng đã chủ động tự cách ly bằng cách vào nhà rẫy ở riêng. Gia đình nào không có nhà rẫy thì lấy bạt, áo mưa… che lại thành chòi tạm, tự cách ly 14 ngày.

Vợ chồng anh Trần Văn Thông và chị Lưu Thị Kim Loan cùng con nhỏ 6 tuổi từ Bình Dương về thôn Bình Hòa vào ngày 24-7. Nhà rộng nhưng vợ chồng anh chị vẫn quyết định vào rẫy dựng chòi cách ly, không tiếp xúc với bất kỳ ai. Anh Thông chia sẻ: “Dù xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính nhưng mình vẫn chưa yên tâm bởi có trường hợp đến lần xét nghiệm thứ 2, 3 mới phát hiện bệnh. Nếu mình ở trong nhà, lại có con nhỏ thì việc tránh tiếp xúc gần rất khó. Tốt nhất, nhà mình ra rẫy ở cho đảm bảo, khi nào chắc chắn không mắc bệnh mới yên tâm về nhà”.

Công an xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) kiểm tra việc cách ly của anh Tàng Văn Lân (thôn 3) sau khi từ Bình Dương trở về.

Theo ông Lý Văn Bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bình Hòa, thành viên tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 xã Ea M’nang, thôn Bình Hòa hiện có 43 trường hợp cách ly, phần lớn người dân tự cách ly tại nhà rẫy của gia đình. Nhiều gia đình phải dựng chòi tạm để cách ly vì không có nhà rẫy. Nhờ công dân có ý thức tốt nên đến thời điểm hiện tại, chưa có công dân nào ở địa phương vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

“Dẫu điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, nhưng ra rẫy tự cách ly là việc nên làm lúc này của mỗi người dân trở về từ vùng dịch để bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng” - anh Phương Đức Huy (người dân thôn 5, xã Cư Êwi).

 

Tương tự, gia đình anh Y Nguyệt Ayun và chị H'Djô Niê (ở buôn Êga, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương thì phải nghỉ việc về quê do dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Biết tin, người thân anh Y Nguyệt đã dựng sẵn chòi gỗ bên cạnh ruộng lúa, chuẩn bị các vật dụng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm đủ dùng trong nhiều ngày để hai vợ chồng tự cách ly. Hai anh em H’Nương Hmok và Y Đen Hmok (ở buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu) sau khi trở về từ Đồng Nai, lo ngại yếu tố dịch tễ từ vùng dịch sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nên họ cũng nhờ người nhà dọn dẹp chòi rẫy, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để cách ly.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) cho biết, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, toàn xã có 1.740 công dân đang lao động ngoại tỉnh đã trở về địa phương và thực hiện biện pháp cách ly tại nhà hoặc vào các khu cách ly tập trung.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã tự chuẩn bị nơi cách ly tách biệt với gia đình, cộng đồng như chòi rẫy, dựng lều tạm… Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn, bất tiện nhiều mặt nhưng người dân luôn nghiêm túc chấp hành quy định cách ly, thường xuyên báo cáo tình hình sức khỏe cho cán bộ y tế để được hướng dẫn khi có vấn đề phát sinh.

Hai anh em H’Nương Hmok và Y Đen Hmok (ở buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu) tự cách ly tại chòi rẫy.

Tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), để phòng ngừa nguy cơ người trở về từ vùng dịch là F0 có tiếp xúc gần với nhiều người, gây khó khăn cho công tác truy vết chống dịch, xã đã vận động người dân tận dụng những điểm cách biệt trong gia đình như chòi rẫy, nhà kho cũ, dựng lều tạm để làm chỗ cách ly.

Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong số gần 1.000 lao động ngoại tỉnh trở về địa phương của đợt dịch lần này, có rất nhiều người sau khi thực hiện khai báo y tế đã đến thẳng nơi cách ly do gia đình chuẩn bị trước. Nhờ thực hiện tốt việc giám sát cách ly y tế với người trở về từ vùng dịch, đến nay toàn xã chưa phát hiện ca mắc COVID-19, giữ vững “vùng xanh” trên bản đồ chống dịch của toàn huyện.

Hồng Chuyên - Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.