Truyền thông trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động thông tin và truyền thông góp phần to lớn trong việc chuyển tải thông tin, nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng, cùng với các lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh.
Thông tin kịp thời, chính xác
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, với vai trò, trách nhiệm của mình, các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin kịp thời đến công chúng những nội dung chỉ đạo điều hành; cập nhật tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng, chống dịch; phản ánh sự vất vả, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch; hay sự ủng hộ, chung tay góp sức của nhân dân các vùng miền, địa phương trong việc hỗ trợ các “điểm nóng” chịu ảnh hưởng do dịch bệnh...
Ở thời điểm hiện tại, các kênh truyền thông đã và đang sát cánh với ngành y tế như một "chiến binh đặc biệt" trên trận tuyến chống dịch. Không chỉ thông tin hằng ngày mà mọi diễn biến, tình hình đại dịch ở khắp nơi còn được chuyển tải từng giờ, từng phút.
Ngoài hệ thống báo chí chính thống thì hoạt động truyền thông chống dịch COVID-19 còn được chuyển tải qua nhiều kênh, như thuê bao điện thoại di động với những tin nhắn từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an với nội dung giải đáp những câu hỏi cơ bản, cung cấp những kiến thức cần thiết nhất về dịch bệnh; Fanpage của các ban, ngành; hệ thống băng rôn, pa nô, bảng điện tử, tài liệu in ấn, tờ rơi, áp phích, xe lưu động. Song song đó, thông tin từ mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo, Viber… cũng đều vào cuộc, nỗ lực truyền thông phòng, chống đại dịch COVID-19.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch. |
Các cơ quan báo chí, thông tin chính thống của tỉnh như: Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh… thường xuyên cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Nhiều phóng viên, nhà báo luôn bám sát sự kiện, không ngại vào tâm dịch để kịp thời chuyển tải những thông tin thời sự sống động. Qua đó, không những cung cấp thông tin kịp thời, chính thống về diễn biến tình hình dịch mà còn góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, giúp người dân có những cái nhìn đúng đắn để ứng xử phù hợp, tránh ảnh hưởng bởi thông tin giả gây hoang mang.
Ngày 28-8 hằng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là "Ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam". Trải qua 72 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, ngành Thông tin – Truyền thông đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, thích ứng xu thế phát triển của cuộc sống. |
Cùng với đó, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cũng hoạt động thường xuyên, liên tục đến từng đường làng, ngõ xóm ở khu dân cư; kịp thời đưa thông tin chính thống, văn bản chỉ đạo đến với người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa giúp họ nắm bắt kịp thời, thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch.
Ông Y Ganh Niê – người có uy tín ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, từ khi trên địa bàn thị xã xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên cho đến nay, hằng ngày ông đều theo dõi tình hình dịch bệnh qua báo chí. Không những thế, hệ thống loa truyền thanh của xã cũng thường xuyên phát các thông báo, quy định và hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh nên ông và người thân trong gia đình đều biết để chủ động phòng tránh.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Để tiếp thêm nguồn lực, chung tay cùng chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan báo chí truyền thông đã chuyển tải mạnh mẽ, kịp thời đến công chúng những tấm gương sáng, điển hình của lực lượng tuyến đầu, công tác vận động ủng hộ trong toàn dân nhằm chia sẻ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Đó là hình ảnh những bác sĩ, y tá, điều dưỡng … tình nguyện xa gia đình xung phong vào tâm dịch để điều trị cho các bệnh nhân; là các chiến sĩ bộ đội, công an phải dầm mưa dãi nắng để thực hiện nhiệm vụ ở các điểm kiểm soát; là những người dân tự nguyện đóng góp, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau, ủng hộ công tác chống dịch…
Tuyên truyền lưu động về phòng, chống đại dịch COVID-19 tại thị xã Buôn Hồ. |
Hình ảnh người dân từ thành thị đến nông thôn đóng góp từ bó rau đến nhu yếu phẩm gửi tặng đồng bào vùng dịch phía Nam, các gia đình trong vùng cách ly trên địa bàn tỉnh đều gây xúc động, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đơn cử như những ngày qua, khi xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) trở thành "điểm nóng" với việc xuất hiện các chùm ca bệnh và bị phong tỏa, người dân ở các xã, phường khác trên địa bàn thị xã đã tình nguyện chia sẻ bằng những việc làm thiết thực, từ chế biến thực phẩm ăn sẵn cho người dân đến cắt cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc trong vùng cách ly.
Không chỉ thế, sự tác động của báo chí truyền thông đã góp phần kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp kinh phí, trang thiết bị, nhu yếu phẩm hỗ trợ ngành y tế và các cơ quan, lực lượng chức năng có thêm điều kiện phòng, chống dịch có hiệu quả… Tất cả những việc làm đó đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội tinh thần, hành động tích cực.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc