Multimedia Đọc Báo in

“Áo xanh” xung kích ở vùng tâm dịch

08:21, 13/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với chính quyền địa phương, lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Cư Né (huyện Krông Búk) đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vào vùng tâm dịch hỗ trợ người dân với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình yên cho buôn làng.

Buôn Drao và Ktơng Drun (xã Cư Né) là “điểm nóng” về dịch COVID-19 do có số ca nhiễm tăng cao đột biến, hiện đang bị phong tỏa. Những ngày qua, nhịp sống tất bật với nương rẫy của hơn 400 hộ dân nơi đây bỗng chững lại, thay vào đó mọi người ai ở nhà nấy, thực hiện cách ly y tế. Anh Y Phi Kpă, Bí thư Đoàn xã Cư Né chia sẻ, ngay khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn trở nên phức tạp, Đoàn xã đã thành lập đội tình nguyện xung kích do anh phụ trách gồm 8 thành viên, nhận nhiệm vụ đến hỗ trợ người dân tại buôn Drao và Ktơng Drun.

Tình nguyện viên xã Cư Né hỗ trợ mang lúa đi xay giúp người dân trong khu phong tỏa. Ảnh: Đoàn xã Cư Né cung cấp

Đội xung kích đã phối hợp cùng chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch COVID-19, qua đó giúp công tác truy vết diễn ra nhanh chóng. Buôn Drao và Ktơng Drun có đặc thù có đông đồng bào Êđê, chiếm trên 99% dân số nên để việc tuyên truyền phát huy hiệu quả, các thành viên đã thu âm thêm nội dung tuyên truyền về các quy định phòng, chống dịch bằng tiếng Êđê và phát qua loa di động. Đặc biệt, vừa qua, khi ở hai buôn này xuất hiện các ca tử vong do bệnh COVID-19, đội xung kích đã nhanh chóng tổ chức tuyên truyền người dân không đến viếng, tránh tập trung đông người và tham gia hỗ trợ chôn cất, mai táng người mất theo quy định.

Để đảm bảo cuộc sống cho hơn 400 hộ dân nơi đây trong thời gian thực hiện phong tỏa, bên cạnh việc vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ đến tay người dân, nhận nhiệm vụ đi xay lúa để lấy gạo ăn cho bà con có nhu cầu, đội xung kích cũng tiếp nhận đăng ký mua nhu yếu phẩm giúp người dân qua số điện thoại và các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Sau khi nhận đơn hàng, các thành viên sẽ tổng hợp và liên hệ với đơn vị cung ứng để họ vận chuyển đến các chốt kiểm dịch; sau đó phân loại hàng hóa theo đơn hàng mà người dân đã đăng ký và “ship” đến tận nhà.

Theo anh Y Phi Kpă, cuộc sống của bà con nơi đây gắn bó với sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống từng ngày, bởi thế, khi dịch bệnh đến quá nhanh, họ không kịp chuẩn bị về tinh thần cũng như vật chất khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian này, để hỗ trợ người dân chăm sóc vật nuôi, đội xung kích đã tổ chức đi tìm các loại thức ăn chăn nuôi như: cỏ, cây chuối, lá mít, bơ, khoai môn… mang đến cho những hộ có nhu cầu. Đối với những hộ đi điều trị, cách ly tập trung cả gia đình, đội trực tiếp đến cho vật nuôi ăn mỗi ngày hai lần.

Tình nguyện viên xã Cư Né cắt cỏ cho gia súc giúp người dân trong khu phong tỏa. Ảnh: Đoàn xã Cư Né cung cấp

Dù chỉ có 8 thành viên nhưng 20 ngày qua, đội xung kích xã Cư Né đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Sau một ngày dài, mọi người lại chia nhau về hai điểm chốt ở buôn Drao và Ktơng Drun nghỉ ngơi. Nhiều tuần liền không về nhà, nỗi nhớ gia đình không lúc nào nguôi ngoai trong lòng mỗi người. Chưa kể, cả ngày phải mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít dưới thời tiết nắng nóng nhưng các thành viên vẫn giữ tinh thần vui vẻ, luôn động viên nhau để cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có những thành viên khi đang thực hiện nhiệm vụ thì nhận được tin người thân bị dương tính và được đưa đi điều trị, họ đã nén nỗi lo riêng để tiếp tục hoàn thành công việc.

Là thành viên nữ duy nhất trong đội hình xung kích, chị H’Ly Kpă (Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né) luôn xông xáo, trách nhiệm trong công việc. Hiện chị có một con nhỏ mới 17 tháng tuổi đang gửi cho ông bà chăm sóc, còn chị vẫn hằng ngày miệt mài đi đến từng ngóc ngách của buôn phong tỏa để hỗ trợ người dân. Chị trải lòng: “Thời tiết mùa này thường xuất hiện mưa dông, nhiều con đường đất ở các buôn vì thế trở nên lầy lội, trơn trượt khiến việc “ship hàng”, vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến cho người dân khá khó khăn. Dẫu vậy, tôi cùng các đồng đội không vì thế mà chùn bước, chỉ biết cùng nhau cố gắng hết mình”.

Cứ thế, những bóng áo xanh ấy lại len lỏi khắp buôn làng với mong muốn hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất. Hy vọng, với sự nhiệt huyết, trách nhiệm cùng tinh thần đoàn kết của các thành viên, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.

“Trong quá trình hoạt động, mỗi thành viên trong đội xung kích đều tuân thủ nguyên tắc bảo hộ, khử khuẩn và chấp hành nghiêm các quy định y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Điều mong mỏi của các thành viên là dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, yên tâm lao động sản xuất" -  anh Y Phi Kpă, Bí thư Đoàn xã Cư Né, huyện Krông Búk.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.