Multimedia Đọc Báo in

Những chiến binh thầm lặng

08:47, 26/09/2021

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, tính đến ngày 17-9, Đắk Lắk đã ghi nhận gần 1.500 ca bệnh COVID-19 và là tỉnh có số ca bệnh nhiều nhất khu vực Tây Nguyên.

Số ca bệnh tăng dồn dập, gánh nặng đè lên hệ thống y tế ngày càng lớn thì những người thầy thuốc phải chịu nhiều áp lực khác nhau. Nhiều người đã phải gạt nỗi niềm riêng, rời xa gia đình, người thân vì nhiệm vụ.

Gần 10 năm công tác tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), anh Vũ Hải Nam (SN 1989) đã từng đối mặt với nhiều nguy hiểm từ các loại dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Thế nhưng, phải đến khi trở thành thành viên của Đội truy vết - lực lượng nòng cốt xông pha trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, anh mới thêm thấm thía những vất vả, hiểm nguy và cả những hy sinh thầm lặng.

Hơn 3 tháng qua, khi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp cũng là chừng đó thời gian anh rời xa tổ ấm đến “định cư” tại cơ quan. Bất kể sớm tối, khi ở đâu có ca bệnh là đội của anh lại lên đường để truy vết. Dù phải làm việc xuyên ngày, xuyên đêm trong bộ đồ bảo hộ kín mít, bữa ăn chỉ là những chiếc bánh mì, những hộp cơm nuốt vội nhưng xác định việc lấy mẫu xét nghiệm có ý nghĩa quyết định đến công tác chống dịch, nên những cán bộ y tế như anh luôn tranh thủ từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất. Cuộc sống cá nhân, trách nhiệm làm chồng, làm cha đành phải đặt sau công việc.

Anh Vũ Hải Nam cùng đồng nghiệp thực hiện lấy mẫu cho người dân ở vùng dịch xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Sau đợt lấy mẫu, tranh thủ giờ nghỉ ngơi, anh Nam gọi video để trò chuyện cùng con gái nhỏ chưa đầy hai tuổi. Nhìn con bi bô những câu từ chưa sõi, mắt anh đỏ hoe. Anh Nam kể: “Từ khi dịch bùng phát, xác định bản thân làm việc trong môi trường nguy hiểm, suốt ngày tiếp xúc với F0, F1, còn bà xã làm việc tại siêu thị, hằng ngày cũng tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, nên vợ chồng tôi quyết định gửi con cho vú nuôi chăm sóc để tránh nguy cơ mình lây nhiễm bệnh cho con và tôi cũng ở lại cơ quan, không về nhà để không lây bệnh cho vợ. Suốt 3 tháng trời, vợ chồng con cái chưa một lần gặp mặt, nhớ lắm cũng đành chịu, hằng ngày chỉ gọi Zalo để trò chuyện, động viên vợ con. Chẳng biết đến khi nào cả nhà  mới được sum họp, nhưng tôi chắc rằng với sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ y tế trong “cuộc chiến” này, ngày ấy không còn xa nữa”.

Từ ngày 15-8, khi Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được chuyển đổi thành Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của khu vực Tây Nguyên, 21 người gồm nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và kỹ thuật viên đã phải gác lại cuộc sống riêng tư để tập trung cấp cứu, điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Hầu hết những bệnh nhân chuyển vào khu điều trị này đều có nhiều bệnh lý nền và nguy cơ tử vong rất cao.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật sự mong manh, vì thế các y bác sĩ ở nơi đây luôn nỗ lực từng giây, từng phút nỗ lực giành lại sự sống cho người bệnh. Với họ, những ngày tháng này, điều quan trọng nhất là cứu chữa thành công cho người bệnh, dù phía bên ngoài cánh cửa phòng bệnh vẫn còn bao người thân đang ngóng chờ và lo lắng.

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, phụ trách Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trải lòng: “Chúng tôi tìm mọi cách từ nguồn lực, trình độ chuyên môn và kể cả sinh mạng của người thầy thuốc để giành giật từng giây từng phút giữa tính mạng của người bệnh trước "lưỡi hái của tử thần". Ở nơi này, người thầy thuốc không còn khái niệm ngày đêm, chẳng còn màng đến nguy cơ, rủi ro mà chỉ bận tâm đến những chỉ số sức khỏe của người bệnh…”.

Phút nghỉ ngơi vội vàng của anh Vũ Hải Nam sau khi cùng đồng nghiệp thực hiện lấy mẫu cho hơn 1.000 công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch các tỉnh phía Nam đêm 1-8-2021.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn dài và nhiều chông gai. Những chiến sĩ trên tuyến đầu như anh Nam, anh Nhựt và rất nhiều cán bộ nhân viên y tế khác nữa vẫn kiên cường chiến đấu với "kẻ thù" COVID-19, ngày đêm truy vết, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và nhân dân. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng này.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.