Multimedia Đọc Báo in

Những điểm tựa cho tuyến đầu chống dịch

15:00, 26/09/2021

Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, hàng nghìn y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội… phải xa gia đình, gác lại việc riêng để tập trung lên đường đi chống dịch.  Nhiều người vợ, người chồng không trực tiếp tham gia chống dịch nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ là hậu phương vững chắc cho "tiền tuyến".

Chưa bao giờ Đắk Lắk phải đón nhận một đợt dịch bệnh khủng khiếp mà tốc độ lây lan nhanh chóng như hiện nay. Khắp các huyện, thị xã, thành phố và cả vùng biên giới xa xôi đều phải tập trung chống dịch.

Khi số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhanh, Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh đặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk được kích hoạt.

Chị Trần Thị Thu Hương là y tá Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã xung phong vào Bệnh viện dã chiến số 1 để chung sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với mong muốn một ngày không xa sẽ đẩy lùi dịch bệnh.

Biết đi vào mặt trận chống dịch sẽ rất gian nan, nhưng anh Tạ Văn Tưởng (cán bộ Phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn), chồng chị Hương vẫn tạo mọi điều kiện để vợ yên tâm thực hiện trách nhiệm của người thầy thuốc.

Vợ đi chống dịch đến nay đã gần hai tháng chưa về, mọi việc trong nhà từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ quần áo, đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc các con, anh đều làm hết. Hai con gái đầu (sinh đôi) của anh đều học lớp 9, cậu con trai út sinh sau học lớp 3. Cách đây mấy ngày anh nhận được tin vợ bị nhiễm SARS-CoV-2, trong lòng buồn bã, lo lắng vô cùng.

“Vợ đi điều trị cho bệnh nhân giờ lại trở thành F0, thương vợ lắm nhưng không biết phải làm sao, chỉ biết động viên an ủi vợ cố gắng điều trị bệnh, sớm về với gia đình”, anh Tưởng xúc động nói.

Thiếu tá Hoàng Văn Lương, Phó trưởng Công an xã Chư Kbô (huyện Krông Búk) đang tranh thủ gọi điện về cho gia đình.

Kể từ khi buôn Ea Nho (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên (ngày 16-8) cũng là lúc Thiếu tá Hoàng Văn Lương, Phó Trưởng Công an xã Cư Kpô và anh em cán bộ, chiến sĩ công an xã có thêm nhiệm vụ mới là “chống dịch”. Các chốt kiểm soát ở vùng dịch được dựng lên, thường trực 24/24 giờ.

Ngoài kiểm soát người ra vào, Thiếu tá Lương và đồng đội còn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Để chồng yên tâm công tác, vợ anh Tưởng là chị Lê Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non Bông Sen (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã cáng đáng hết mọi việc trong nhà, đồng thời thường xuyên gửi lời động viên đến chồng và đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhà của vợ chồng Thiếu tá Lương chỉ cách đơn vị anh công tác chưa tới 1 km, con mới 2 tuổi, nhưng anh vẫn không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho vợ con. Anh chỉ tranh thủ lúc tối muộn, khi công việc hoàn tất mới có thể gọi điện thoại về nhà.

Chị Yến bộc bạch: “Những lúc anh gọi điện về thấy con khóc đòi ba, lòng tôi lại thấy nghẹn ngào. Nhớ chồng lắm, lo lắng cho anh nơi tuyến đầu chống dịch khó tránh khỏi những gian nguy, nhưng nghĩ nếu ai cũng sợ dịch bệnh thì ai làm nhiệm vụ chống dịch nên chúng tôi dặn nhau cố gắng làm tốt công việc để Đắk Lắk sớm hết dịch, vợ chồng cũng sẽ được đoàn viên”.

Với những người lính quân hàm xanh, các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống, mỗi đơn vị, mỗi tổ, chốt công tác thực sự là "tấm khiên" vững chắc nơi biên giới. Mối quan tâm nhất của các anh lúc này là không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới vào địa bàn, giữ vững sự bình yên và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Làm vợ lính biên phòng đã 15 năm, cũng chừng ấy thời gian chị Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường Dân tộc nội trú - THCS Buôn Ma Thuột, vợ Thượng tá Lê Hải Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng 743 đóng trên địa bàn huyện Buôn Đôn) một mình tần tảo, khuya sớm chăm sóc, nuôi dạy con thơ để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Chị Huyền chia sẻ, chưa bao giờ chồng chị đi công tác lâu như đợt này, đã gần ba tháng nay anh chưa được về nhà, vì ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, anh còn nằm trong lực lượng chủ công ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 xâm nhập qua biên giới.

"Xác định lấy chồng bộ đội là rất vất vả, những lúc khó khăn, hoạn nạn, con cái ốm đau phải một mình gánh vác. Nhiều lúc cũng thấy buồn và tủi thân, nhất là khi con cái ốm đau không có người san sẻ. Thế nhưng, nhớ lại những lần lên thăm chồng nơi biên giới mới biết khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với công việc anh ấy đang làm”, chị Huyền tâm sự.

Chị Phạm Thị Thanh Huyền (vợ Thượng tá Lê Hải Thanh, Chính trị viên Đồn biên phòng 743) dạy con học bài.

Không chỉ chị Huyền, chị Yến, anh Tưởng mà còn nhiều người vợ, người chồng khác vẫn đang lặng lẽ âm thầm hy sinh cho nơi tuyến đầu chống dịch. Mỗi người một hoàn cảnh, một nhiệm vụ khác nhau song tựu trung, họ cùng là điểm tựa, hậu phương vững chắc, đầy nghĩa tình, trọn vẹn thủy chung, giúp biết bao cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ để sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sự an toàn, bình yên của Tổ quốc.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.