Những “người mẹ” đặc biệt
Trong số khoảng hơn 1.700 bệnh nhân COVID-19 tại Đắk Lắk có không ít thai phụ đã đến kỳ sinh nở. Những đứa trẻ chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt khi có mẹ là F0 đang trải qua những ngày đầu tiên của cuộc đời bên cạnh những “người mẹ” xa lạ nhưng luôn có vòng tay ấm áp và trái tim đầy yêu thương…
Đang chăm chú vào sổ theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhi, nghe thấy tiếng trẻ con khóc bên phòng bệnh nhi sơ sinh, ngẩng đầu nhìn đồng hồ thấy đã 3 giờ chiều, điều dưỡng Dương Thị Hoa, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) gấp vội tập hồ sơ bệnh án, cầm bình sữa đồng nghiệp vừa chuẩn bị rồi chạy đến phòng bệnh. Cúi xuống bế bé gái đang ngọ nguậy khóc oa oa trong chiếc võng tự chế bằng khăn lông, chị Hoa vỗ về cưng nựng: “Cha bố cô, chưa tới giờ ăn đã đòi, mẹ đến rồi đây!”. Nhìn bé bú bình ngon lành, chị Hoa bỗng thấy mắt cay cay. Bé chưa được đặt tên, chân vẫn đang đeo thẻ ghi tên mẹ.
Gần một tháng qua, em bé có mẹ là F0 này lớn lên trong vòng tay của những "người mẹ" đặc biệt như điều dưỡng Dương Thị Hoa. |
Mẹ của bé gái ấy là F0, sau khi chào đời, bé được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và chuyển về Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, còn người mẹ tiếp tục được đưa về điều trị tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Gần một tháng kể từ khi chào đời, bé vẫn chưa được gặp mẹ và người thân vì cả gia đình người thì đi điều trị bệnh COVID-19, người thì thực hiện cách ly y tế.
Trong 14 ngày đầu bé được chăm sóc trong phòng cách ly, đến ngày thứ 15, sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, bé được chuyển sang phòng bệnh thường. Dù ở phòng bệnh nào, bé đều nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của những "người mẹ" đặc biệt là những y, bác sĩ, điều dưỡng tại khoa.
“Đứa trẻ sinh ra không có mẹ cận kề chăm sóc đã rất thiệt thòi, vì thế chúng tôi luôn coi bé như con của mình và dành mọi tình yêu thương để chăm sóc bé. May mắn là sức khỏe của bé rất tốt. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc bé, chúng tôi thay phiên nhau đi nhận sữa từ ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện, trường hợp không đủ thì xin sữa của các bà mẹ bên khoa Sản về cho bé bú, đảm bảo cho cháu được sử dụng sữa mẹ hoàn toàn đến khi trở về với gia đình”, chị Hoa chia sẻ.
Chị còn cho biết thêm một tin mừng là ông ngoại của bé mới gọi điện đến báo tin sắp hết thời hạn theo dõi sức khỏe tại nhà sau cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19, chuẩn bị lên gặp cháu.
Ở phía trái hành lang, trong phòng cách ly văng vẳng tiếng ầu ơ. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, điều dưỡng Bùi Thị Thu Hương đang nhè nhẹ vỗ về đứa trẻ. Khi bé ngon giấc, chị nhẹ nhàng chỉnh lại chiếc khăn lông quấn quanh cơ thể bé xíu ấy cho con thật sự thoải mái rồi mới cầm chiếc bình sữa đã cạn đi ra khỏi phòng bệnh. Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, người đẫm mồ hồi, chị bộc bạch: “Bé chào đời được hơn một tuần, do có mẹ là F0 nên bé đang được chăm sóc riêng ở khu vực cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Trộm vía, bé bú ngoan, ngủ ngoan lắm!”.
Ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh này, những đứa trẻ sơ sinh luôn được các y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình. Đặc biệt, những đứa trẻ có mẹ là F0 luôn được các cán bộ y tế dành nhiều tình thương, bởi hơn ai hết họ thấu hiểu những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu trong “cơn bão” dịch bệnh COVID-19. Không có cha mẹ ở bên, nhưng các em vẫn không thiếu những cái ôm ấm áp, những lời cưng nựng và cả những chở che khi trái gió trở trời.
Điều dưỡng Bùi Thị Thu Hương chăm sóc một trẻ sơ sinh có mẹ là F0 trong phòng cách ly. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Toàn, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), việc chăm sóc các bé sơ sinh có mẹ là F0 được khoa bố trí ở hai khu vực riêng biệt, là khu chăm sóc bình thường và khu vực chăm sóc cách ly. Sau khi chào đời được đón về khoa, các bé sẽ được đưa vào khu vực cách ly để điều trị, chăm sóc và theo dõi, qua 14 ngày nếu sức khỏe bình thường và cho 3 lần kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được chuyển sang khu chăm sóc bình thường.
Mặc dù số trẻ này không nhiều, nhưng các bé ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, lại không có người thân bên cạnh, nên các y bác sĩ, điều dưỡng không chỉ làm thay vai trò của người mẹ từ chăm sóc vệ sinh đến dinh dưỡng, mà còn phải theo dõi liên tục để có thể xử trí kịp thời trong trường hợp bé xảy ra bất thường về sức khỏe.
Sinh ra giữa đại dịch COVID-19, phải tách mẹ ngay từ khi chào đời, là thiệt thòi lớn của các trẻ sơ sinh. Nhưng ở nơi đây, những đứa trẻ ấy vẫn luôn được những “người mẹ đặc biệt” bảo bọc, yêu thương.
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc