Multimedia Đọc Báo in

Bếp chùa đỏ lửa nấu cơm tặng bệnh nhân nghèo

07:56, 13/10/2021

Đều đặn 14 năm qua, bếp ăn tình thương ở chùa Huệ An đỏ lửa nấu cơm chay tặng các bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng. Bếp ăn được các phật tử lớn tuổi góp công, góp sức nấu vào mùng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng.

Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các phật tử ở chùa Huệ An vẫn cố gắng duy trì bếp ăn tình thương nấu cơm tặng bệnh nhân và người nhà trong bệnh viện.

Các phật tử tại chùa Huệ An chuẩn bị cơm chay tặng bệnh nhân trong bệnh viện

Cho thức ăn vào hộp đựng sẵn, bà Nguyễn Thị Sơn (khối 7, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng), bếp trưởng cho hay, trước đây, mỗi lần nấu khoảng 200 suất; nay do dịch bệnh nên số lượng bệnh nhân ở lại bệnh viện ít hơn. Trước khi nấu, phía bệnh viện sẽ thông báo số lượng suất ăn.

 

Vào các dịp lễ, tết, trụ trì chùa Huệ An - Thích nữ Như Tín còn vận động phật tử mua quà tặng các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Trong đợt lũ lụt miền Trung năm 2020, sư cô cùng phật tử gói hàng trăm chiếc bánh tét, nhu yếu phẩm ra Quảng Trị, Quảng Nam tặng người dân vùng lũ.

Để chuẩn bị cho bữa cơm đủ chất, từ sáng sớm các phật tử (chủ yếu các bà, các cô từ 40 - 75 tuổi) tề tựu về chùa. Mỗi người một việc như đi chợ, nhặt rau, nhóm bếp… tất cả đều đeo khẩu trang đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19. “Tôi đã lớn tuổi, không giúp được việc lớn nên nguyện làm việc nhỏ. Công việc này giúp tôi vui hơn, quên đi những phiền lo trong cuộc sống và cả căn bệnh tuổi già”, bà Sơn nói về lý do gắn bó với bếp ăn tình thương.

Hơn 5 năm gắn bó với bếp ăn, bà Lê Thị Tỵ tâm sự, bà từng vào viện nên hiểu việc phải chắt chiu từng đồng để dành tiền chữa bệnh. Bản thân cũng từng nhận được suất ăn miễn phí nên giờ có cơ hội chia sẻ cùng bệnh nhân nghèo, bà rất sẵn lòng. Của ít, lòng nhiều mong người bệnh có thêm động lực vượt qua bệnh tật, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Kinh phí duy trì bếp ăn do các phật tử chung góp. Để tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo suất cơm ngon, đủ dưỡng chất, khi đến bếp tình thương, các phật tử thường mang theo trái cây, rau, củ quả của nhà trồng được như: Quả mít non, rau xanh, bí đỏ… chế biến thành các món ăn chay sạch, ngon. Cứ mỗi tháng hai lần vào chiều mùng 1 và ngày 15 âm lịch, bếp ăn tình thương đều đỏ lửa.

Sư cô Như Tín trong lần tặng quà cho người dân miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bếp ăn tình thương này do trụ trì chùa Huệ An - Thích nữ Như Tín lập ra xuất phát từ sự đồng cảm với người bệnh. Khi còn là ni (nữ) sinh trường Phật học ở TP. Hồ Chí Minh, sư cô thường đến bệnh viện chăm sóc những bệnh nhân không có người thân. Cảm thông với những mảnh đời kém may mắn, năm 2007, sư cô quyết định về vùng sâu huyện Krông Năng gắn bó với chùa Huệ An. Một năm sau, sư cô lập nên bếp ăn tình thương, tận dụng gian bếp chùa làm nơi nấu ăn, các phật tử đến chùa phụ nấu. Đến nay, bếp ăn đã duy trì được 14 năm.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.