Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội ở Cư M'gar

09:03, 27/10/2021

Thực hiện chính sách về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), thời gian qua, cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp ở huyện Cư M’gar đã nỗ lực chăm lo, trợ giúp kịp thời cho người khó khăn trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar, trên địa bàn huyện có 4.206 đối tượng BTXH và 528 gia đình nhận hỗ trợ chăm sóc trẻ em mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết, những năm qua, các chế độ chính sách cho đối tượng BTXH được các cấp, các ngành ở địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ, không bỏ sót đối tượng, bảo đảm đúng quy định.

Riêng trong năm 2020, tổng kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội trên địa bàn huyện là hơn 21,9 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2021, địa phương đã chi gần 30 tỷ đồng thực hiện công tác này.

Các đoàn thể trên địa bàn huyện Cư M'gar thăm, tặng quà người cao tuổi ở thị trấn Quảng Phú. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tháng 3-2021).

Ngoài trợ cấp hằng tháng, huyện Cư M’gar cũng tích cực vận động xã hội hóa để trao 8.138 phần quà tặng các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình neo đơn, khuyết tật… trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Riêng trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mới đây, huyện đã vận động hơn 1.400 suất quà là nhu yếu phẩm, 32 tấn gạo và hàng chục tấn rau củ quả các loại… giúp đỡ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 

Theo ước tính sơ bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar, thực hiện theo nghị định mới này, toàn huyện sẽ có trên 5.060 đối tượng được thụ hưởng chính sách, tăng 17% so với trước.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trước đây mức trợ cấp xã hội được thực hiện theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP nên vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.

Cùng với đó, nguồn lực bố trí cho công tác BTXH còn ít, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật còn nhiều hạn chế, phần lớn họ tự học theo hình thức truyền nghề, tự tìm việc làm… Đời sống của các đối tượng yếu thế vẫn chưa hết khó khăn và càng đối mặt với nhiều thách thức hơn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Từng bước khắc phục những hạn chế này, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 20-2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021) quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH đã khắc phục những hạn chế của Nghị định số 136.

Cụ thể, Nghị định 20 tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ mức tối thiểu 270.000 đồng/tháng/người lên 360.000 đồng/tháng/người (tức tăng 1,33 lần), tùy theo nhóm đối tượng cụ thể được áp dụng các mức khác nhau theo hệ số từ 1 đến 4. Các chế độ hỗ trợ mai táng, sửa chữa nhà ở bị sập, trôi, cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng mở rộng bao phủ đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khác như nhóm người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn, hộ đơn thân cận nghèo, trẻ em người DTTS khó khăn… Nghị định 20 là sự quan tâm lớn đối với vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện điều kiện sống cho bộ phận người yếu thế và được kỳ vọng sẽ tiếp thêm niềm tin, qua đó, tạo động lực để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar) được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.

Huyện Cư M’gar có 46% dân số là người DTTS, người cao tuổi chiếm 51,2% tổng số đối tượng BTXH. Nghị định 20 đã tác động tích cực vào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn. Mức chuẩn trợ cấp mới này sẽ chia sẻ khó khăn, giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều đối tượng BTXH trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Đơn cử như việc hỗ trợ mai táng phí cho các gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn lao động… từ mức 5,4 triệu đồng nay đã tăng lên 18 triệu đồng, giúp việc an táng người đã khuất được chu đáo, đúng đạo lý.

Áp dụng quy định mới, tháng 7 vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M'gar đã kịp thời hỗ trợ mai táng cho thân nhân gia đình ông Nguyễn Nhớ (thôn 2, xã Cư Suê) có hai con qua đời sau một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền 36 triệu đồng. Qua đó, giúp gia đình có nguồn kinh phí để lo tang lễ chu đáo hơn, an ủi phần nào nỗi đau của người cha mất con. Ông Nhớ cho biết, sự quan tâm, hỗ trợ này là nguồn động viên giúp gia đình ông vượt qua nỗi đau.

Để chính sách trợ giúp xã hội phát huy tính tích cực hơn nữa, thời gian tới, huyện Cư M'gar sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về các chế độ, chính sách đến người dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội; nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng khó khăn để có kế hoạch trợ giúp phù hợp…

Theo ông Minh, về lâu dài, địa phương sẽ có những chính sách như tạo việc làm cho người khuyết tật, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cho các đối tượng khó khăn; tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực của địa phương, chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân hộ khó khăn, nhất là trong đồng bào DTTS…

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.