Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định năng lực và tài năng của phụ nữ

11:20, 20/10/2021

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 443 nghìn phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, chiếm 23,66% dân số. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo tiền đề và cơ hội thúc đẩy phụ nữ hội nhập quốc tế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ghi dấu ấn trong các lĩnh vực

Vai trò và vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp và các tổ chức chính trị tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh chiếm 18,8% (tăng 4,1%), cấp huyện chiếm 16,3% (tăng 3,1%), cấp xã chiếm 25,4% (tăng 7,3%); nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng bộ cấp tỉnh chiếm 20%, cấp huyện chiếm 11,3% (tăng 1,6%), cấp xã chiếm 9,8% (tăng 0,93%)...

Chị Nguyễn Thị Thái Thanh (bìa trái), Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm giới thiệu sản phẩm cà chua Nova tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

Phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ đã lan tỏa mạnh mẽ thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” và Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Qua đó đã góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trên thương trường và trong phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực như: chị H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột); chị H’Nhem B’tô, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Kniết (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin); chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam; cà chua Nova của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột); tinh bột nghệ Ngô Thân (thị xã Buôn Hồ)...

 

“Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tập trung nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập quốc tế và khơi dậy ý thức, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm

Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, phụ nữ đã chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, rèn luyện thể chất, giao lưu văn nghệ, thể thao, vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn bản sắc truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói chung và của dân tộc thiểu số thông qua hoạt động đồng diễn áo dài, thi ẩm thực, biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, các trò chơi dân gian...

Các cấp Hội ngày càng chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội về các vấn có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, đưa ra đề xuất, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giao lưu, kết nghĩa với tổ chức Hội LHPN 4 tỉnh phía Nam nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của tỉnh.

Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm, một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chủ trương hội nhập quốc tế là Nghị quyết số 18/NQ-BCH, ngày 8-1-2021 về “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030” của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Nghị quyết này được xem như “kim chỉ nam” định hướng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để các cấp hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan.

Chị H’Yam Bkrông (bìa phải), Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về hoạt động của hợp tác xã.

Nhận thức sâu sắc về cơ hội, thách thức của hội nhập quốc tế cũng như vai trò, vị trí của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại, các cấp Hội LHPN tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực thực hiện Nghị quyết số 18 nhằm hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và coi đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng.

Các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế, những yêu cầu đặt ra đối với đất nước và phụ nữ trong tình hình mới; nâng cao năng lực của cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu hội nhập; đẩy mạnh phong trào tự học, tự nghiên cứu, góp phần xây dựng xã hội học tập...

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN chủ động triển khai hoạt động như: tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của phụ nữ, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức cuộc sống; thúc đẩy liên kết kinh doanh để nâng cao nhận thức và năng lực cạnh tranh của phụ nữ; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng của kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19...

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.