Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến xe trung chuyển nghĩa tình

07:41, 21/10/2021

Những ngày qua, nhiều chuyến xe trung chuyển miễn phí tiếp sức người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về đã giúp chặng đường về quê nhà của họ được rút ngắn và phần nào vơi bớt nhọc nhằn.

Sau những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục nghìn công dân từ các tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... lại tiếp tục hành trình về quê.

Trong số những người dân đó, có rất nhiều người phải “cuốc bộ”, các bà mẹ mang thai, những em bé cùng bố mẹ vượt mưa nắng trên đoạn đường dài hàng trăm cây số bằng xe máy. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp vận tải theo sự kêu gọi của Sở Giao thông vận tải đã bố trí phương tiện và nhân lực để chở bà con miễn phí từ địa bàn tỉnh đến các tỉnh giáp ranh.

Những chiếc xe khách của Công ty Long Vân trước giờ xuất phát đi trung chuyển công dân.

Kể từ ngày 2-10, những chuyến xe trung chuyển bắt đầu hành trình chở người dân từ điểm cầu 14 (giáp tỉnh Đắk Nông) về đến cầu 110 (giáp tỉnh Gia Lai) và bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tiếp tục trung chuyển qua tỉnh Kon Tum.

Bất kể nắng hay mưa, tối muộn hay tờ mờ sáng, hễ nhận thông báo có công dân trở về, nhiều xe khách của Công ty Long Vân lại khẩn trương lên đường, có mặt để trung chuyển người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà xe đã chở hơn 600 công dân. Ngoài ra, công ty còn bố trí cả xe tải để chở đồ dùng cá nhân cho người dân như va li, đồ đạc, thậm chí là xe máy cho những người vì đường sá xa xôi, không còn sức để tiếp tục hành trình bằng xe máy của mình...

Mặc dù dịch COVID-19 khiến hoạt động vận tải hành khách của Công ty Long Vân tạm ngưng gần 5 tháng nay, trong số 34 phương tiện vận tải của công ty hoạt động tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh chỉ còn duy trì hoạt động 5 chiếc xe tải chuyên chở hàng hóa, nhưng nhà xe vẫn hoạt động hết công suất có thể để giúp đỡ công dân trở về quê. Trên quãng đường trung chuyển công dân dài 110 km, công ty chịu mọi chi phí như xăng xe, phụ cấp tài xế, trang bị đồ bảo hộ...

Ngoài những chuyến xe trung chuyển, nghe tin nhiều bà con còn mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh, công ty đã chủ động xin ý kiến của tỉnh cũng như các ban, ngành liên quan đến tận nơi hỗ trợ bà con về lại địa phương miễn phí. Mới đây, công ty tiếp tục hỗ trợ vận chuyển được 12 chuyến, đưa 210 công dân Đắk Lắk trở về quê nhà.

“Tuy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ông bà ta có câu “lá lành đùm lá rách”, mình khó một người dân khó mười nên chúng tôi giúp đỡ được phần nào hay phần đó. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để giúp bà con rút ngắn được một quãng đường trên hành trình trở về quê nhà”, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Long Vân tâm sự.

Người dân nhận hành lý sau khi được nhà xe trung chuyển đến địa bàn tỉnh Gia Lai.

Cũng gần hai tháng nay, Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thanh Hà chạy tuyến Krông Năng – Bến xe phía Nam tạm dừng hoạt động, 15 chiếc xe buýt không vận hành khiến đơn vị này đứng trước nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, khi được kêu gọi hỗ trợ vận chuyển công dân, những chuyến xe buýt lại lăn bánh tiếp sức cho hành trình hồi hương của bà con.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thanh Hà cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã chở hơn 500 công dân trung chuyển sang tỉnh khác. Tuy vừa vất vả lại có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhưng để hành trình về quê của người dân đỡ phần vất vả, thì bất kể giờ giấc, khi nghe tin báo có đoàn công dân đang trở về, ông luôn là người đầu tiên cầm vô lăng lái xe đến điểm tiếp nhận để chở giúp họ một đoạn đường, rút ngắn quãng đường trở về quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) là một công nhân thất nghiệp từ Bình Dương phải hồi hương bằng cách đi bộ. Trước khi rời nhà trọ “cuốc bộ” về nhà người thân, là phụ nữ nên chị rất sợ gặp những bất trắc dọc đường. Nhưng may mắn là đi bộ khoảng 5 km thì chị được xe trung chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác, đến Đắk Lắk lại được nằm nghỉ ngơi trên chuyến xe khách. Nhờ vậy, hành trình về nhà của chị đỡ phần vất vả, nhọc nhằn.

Dẫu không chở hết suốt hành trình về quê, nhưng những chuyến xe trung chuyển đầy ân tình này đã làm ấm lòng không biết bao người đang đối mặt với cuộc hồi hương đầy gian nan giữa đại dịch COVID-19.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.