Mái ấm yêu thương của đôi vợ chồng “tí hon”
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mái ấm nhỏ của đôi vợ chồng khuyết tật là anh Trịnh Thế Chiến (SN 1988) và chị Não Nữ Hoàng Lan (SN 1990) ở thôn 10, xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) không lúc nào thiếu vắng tiếng cười. Hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi gia đình anh chị có thêm đứa con trai vừa tròn 10 tháng tuổi lanh lợi, kháu kỉnh.
Mọi người xung quanh thường gọi anh Chiến, chị Lan bằng tên thân thương là đôi vợ chồng “tí hon” vì anh chị không được lành lặn, hoàn thiện như những người bình thường.
Từ khi sinh ra, anh Chiến đã mắc căn bệnh xương thủy tinh, không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Dù khuyết tật đôi chân, nhưng anh luôn lạc quan, yêu đời và mong ước có cơ hội được đến trường, học tập và vui đùa như bạn bè cùng trang lứa.
Năm 11 tuổi, anh được bố mẹ cho đến trường và bắt đầu bập bẹ học từng con chữ. Nhờ chuyên tâm học tập, anh Chiến luôn đạt kết quả cao và nhận được nhiều giấy khen của nhà trường.
Để tiếp tục được theo học tại một trường cấp 3 ở thị trấn Phước An (cách nhà 17 km), anh đã xin bố mẹ mua chiếc xe lăn điện và tự mình lên thuê trọ gần trường.
“Đây là lần đầu tiên xa nhà, không có sự đồng hành của bố mẹ, mọi việc sinh hoạt, đi lại của mình rất vất vả, bố mẹ mình khá lo lắng, thường xuyên gọi điện dặn dò, hỏi han. Thế nhưng, nhờ được sự giúp đỡ, an ủi của bạn bè, thầy cô, mình dần thích ứng được với cuộc sống tự lập. Đến cuối tuần, mình tự bắt xe buýt để về nhà thăm gia đình”, anh Chiến tâm sự.
Anh Chiến và chị Lan luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động. |
Cũng chính nghị lực sống, quyết tâm thay đổi số phận, anh Chiến đã tiếp tục hoàn thành khóa học nghề dành cho người khuyết tật, với chuyên ngành đồ họa của Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh).
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng trung cấp nghề, anh Chiến chuyển xuống tỉnh Bình Dương ở trọ cùng anh trai. Hằng ngày, chàng trai nhỏ bé chỉ nặng 20 kg, cao 90 cm chạy xe máy ba bánh rong ruổi khắp các ngõ ngách ở TP. Hồ Chí Minh mong tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân.
Đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất với anh. Hơn 6 tháng tìm việc và phỏng vấn nhiều nơi, cuối cùng anh đã xin được công việc bán hàng lưu niệm ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP. Hồ Chí Minh) và sau đó chuyển sang làm ở một công ty chuyên giám sát camera cho các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP. Thủ Đức. Với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, tuy không cao so với mức sống ở thành phố phồn hoa ấy, nhưng có thể giúp anh tự lập và lo được cho bản thân.
Chung hoàn cảnh với anh Chiến, do thiếu hormone sinh trưởng nên chị Lan chỉ cao 1 m và nặng 22 kg. Hai người quen biết nhau qua mạng xã hội, sau những lần chuyện trò, anh Chiến và chị Lan dần đồng cảm và thấu hiểu nhau. Cảm mến chàng trai khuyết tật đầy nghị lực, chị Lan đã quyết định từ tỉnh Ninh Thuận lên TP. Hồ Chí Minh để xin vào làm chung công ty với anh Chiến. Từ đó, tình cảm của hai người ngày càng được vun đắp.
Năm 2019, anh chị đã quyết định về sống chung nhà. Chị Lan chia sẻ: “Sau khi gặp anh Chiến, cuộc đời mình đã dần thay đổi. Từ một người nhút nhát, tự ti, mình học được từ anh sự kiên cường, ý chí, vượt qua mặc cảm để sống vui vẻ, lạc quan. Là một cô gái không lành lặn, mình chưa từng nghĩ sẽ có một gia đình nhỏ ấm áp như hiện tại, anh Chiến chính là mảnh ghép hoàn hảo của cuộc đời mình”.
Đôi vợ chồng “tí hon” đến đăng ký kết hôn tại UBND xã Krông Búk (huyện Krông Pắc). |
Mặc dù không có một đám cưới xa hoa với mâm cao cỗ đầy, chỉ có những lời chúc phúc từ hai bên gia đình nội, ngoại, bà con xóm giềng, với anh chị như vậy đã là đủ. May mắn hơn nữa khi cuối năm 2020, anh chị nhận được tin vui là sẽ có thêm thành viên mới.
Vừa vui mừng, vừa lo lắng, chỉ đến khi con cất tiếng khóc chào đời với thân thể lành lặn, khỏe mạnh, cả gia đình mới vỡ òa trong hạnh phúc. Giờ đây, anh chị có thể gửi gắm những mong ước của mình và mang đến cho con cuộc sống như một người bình thường.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh, công ty nơi anh chị làm việc tạm thời đóng cửa nên cả gia đình phải về nhà ở xã Krông Búk để chờ thông báo đi làm lại. Cũng vì vậy kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng đôi vợ chồng “tí hon” vẫn luôn cố gắng vun đắp hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.
Như một sự sắp đặt của số phận, hai con người khiếm khuyết ấy đã vô tình gặp gỡ, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, viết tiếp mối nhân duyên tựa cổ tích giữa đời thực để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho cuộc đời.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc