Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch

07:17, 16/11/2021

Nỗ lực phục hồi thị trường lao động sau đại dịch, rất nhiều giải pháp đã và đang được các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương triển khai với mục tiêu hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đợt dịch COVID-19 thứ tư đến nay, toàn tỉnh có trên 40.200 người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, công nhân làm việc trong các ngành may mặc, giày da, điện tử, chế biến gỗ...

Tại đó, công nhân chỉ được đào tạo một khâu trong quy trình sản xuất, làm việc mang tính chuyên môn hóa, chưa được đào tạo kiến thức nghề tổng hợp, không có chứng chỉ hoặc bằng nghề. Đó cũng là một trở ngại khi họ tham gia thị trường lao động với nhiều ngành nghề bên ngoài.

Lao động từ vùng dịch phía Nam trở về quê nhà vào cuối tháng 7-2021.

Hiện số lao động trên có nhiều nhu cầu khác nhau như: quay lại nơi làm việc cũ, tìm việc làm trong tỉnh, vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, học nghề...

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn này, Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trở lại làm việc. Các đối tượng, nhu cầu hỗ trợ được lên kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu 100% số lao động của tỉnh trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm được tiếp cận có hiệu quả với các nội dung hỗ trợ.

Làm cầu nối cho người lao động từ vùng dịch về mong muốn ở lại tìm việc làm trong tỉnh, các đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm đã đẩy mạnh việc thu thập việc làm trống có nhu cầu tuyển lao động từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kết nối thông tin, giới thiệu việc làm. Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan, hiện nay và trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.500 việc làm trống đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.

Tăng đãi ngộ  với người lao động

Gần 5 tháng mất việc làm, không có tiền trang trải, chị Trịnh Thị Thắm (ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) phải phụ thuộc gia đình mọi chi phí sinh hoạt, ăn ở. Chị tâm tình: “Rất may đầu tháng 11, công ty mà tôi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi người lao động trở lại và hỗ trợ thêm chi phí đi máy bay. Chúng tôi cũng yên tâm hơn khi TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện tiêm vắc xin cho người lao động khi quay trở lại làm việc”.

Theo khảo sát thì trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có gần 22.800 công dân từ vùng dịch trở về có nhu cầu trở lại nơi làm việc. Khi đón nhận những thông tin tích cực về việc kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh thành phía Nam, những ngày này lượng người lao động quay trở lại nơi làm việc đang gia tăng.

Cùng với các tỉnh thành trong cả nước, để tạo điều kiện cho lao động đã về quê trở lại nơi làm việc an toàn, các tỉnh thành phía Nam, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động thu hút, đón công nhân, góp phần sản xuất kinh doanh, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Lãnh đạo huyện Ea Súp thăm hỏi, động viên người lao động từ vùng dịch phía Nam trở về địa phương.

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Đắk Lắk mới đây, cùng với hỗ trợ về phòng, chống dịch, đoàn công tác của tỉnh Bình Dương đã đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phối hợp thống kê người lao động có nhu cầu trở lại làm việc tại Bình Dương, tuyên truyền thêm chính sách hỗ trợ của Bình Dương về chỗ ở, tiêm vắc xin cho người lao động khi đến làm việc...

Người lao động được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những đối tượng chưa được tiêm mũi 1 cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để bảo đảm đủ điều kiện khi quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Cùng với đó, người lao động sẽ được các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ tham gia lưu thông; bảo đảm mức lương, vị trí việc làm.

Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều việc làm đang chờ đợi người lao động. Các cơ quan, đơn vị chức năng, doanh nghiệp đã và đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động tiếp sức cho người lao động quay lại địa phương như: giảm chi phí tiền trọ 50%, hỗ trợ nhà trọ 0 đồng, test nhanh COVID-19 miễn phí cho người đang tìm việc; hỗ trợ tiền đi đường; thưởng lương, tăng phúc lợi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.