Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới

07:55, 25/11/2021

Trước thực trạng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế, quá tải cho các cơ sở điều trị F0 tập trung, ngành y tế đã triển khai nhiều phương án để ứng phó.

Dự báo đỉnh dịch đang đến gần

Từ ngày 8/5/2021 (thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên) đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 7.000 bệnh nhân mắc COVID-19 (F0). Số ca mắc liên tục tăng cao trong vòng 2 tháng qua, khi bình quân mỗi ngày có từ 70 - 100 ca mắc mới. Từ đầu tháng 11 đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 700 ca/tuần. Trên cơ sở đó, ngành y tế dự báo từ nay đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, số ca bệnh sẽ tăng nhanh với số ca tích lũy có thể lên đến 8.000 - 10.000 người. Nguyên nhân là do mặc dù tỉnh đã bao phủ vắc xin mũi 1 đạt trên 93% nhưng thời gian tính từ ngày tiêm cho đến khi đạt mũi 2 mới được 14 ngày, trong khi đó số lượng tiêm mũi 2 mới chỉ đạt trên 21%.

Ô xy do các nhà hảo tâm hỗ trợ đã được vận chuyển về Sở Y tế sẵn sàng phục vụ điều trị F0 tại nhà.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung: chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động đánh giá cấp độ dịch một cách chính xác, khoanh vùng, giám sát những địa bàn có nguy cơ cao, những khu vực phát sinh ổ dịch, ca bệnh trong cộng đồng, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, truy vết không để dịch lây lan rộng; thành lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị F0, nâng số cơ sở điều trị F0 trên địa bàn lên 7 cơ sở với 3.722 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng; triển khai điều trị F0 tại nhà. Đây là một trong những điều kiện để ứng phó với tình huống số ca bệnh trên địa bàn tăng cao, giúp người dân an tâm trong việc điều trị cũng như đáp ứng công tác phòng, chống dịch lâu dài của tỉnh.

Sẵn sàng thuốc, ô xy để điều trị F0 tại nhà

Theo quy định, để được điều trị tại nhà, F0 phải đáp ứng các tiêu chí: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh lý nền, không mang thai, đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày, có khả năng tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu, đặc biệt phải đáp ứng đủ điều kiện cần và đủ theo yêu cầu của ngành y tế.

Ngành y tế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân trong vấn đề chăm sóc, giám sát và điều trị F0 tại cộng đồng; xây dựng chi tiết hướng dẫn điều trị F0 tại nhà và hướng dẫn y tế địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế cho việc thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà. Các trạm y tế lưu động sẽ hình thành trên cơ sở 184 trạm y tế xã, phường cộng với trên 150 phòng khám đa khoa đủ điều kiện, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm sóc, giám sát, điều trị F0.

Cùng với đó, ngành y tế cũng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho tỉnh 1 trạm sản xuất ô xy với lượng cung ứng mỗi ngày 50 bình, loại trọng lượng 40 kg. Đồng thời, huy động từ nhiều nguồn, cả mua sắm và vận động trang bị được trên 1.000 bình ô xy, đủ để cung ứng cho các trạm y tế. Theo dự kiến mỗi trạm y tế sẽ được cấp 2 bình ô xy loại 40 kg và từ 3 - 5 bình 10 kg để sẵn sàng hỗ trợ cho F0 có ô xy kịp thời trong quá trình điều trị tại nhà. “Ngành y tế Đắk Lắk cũng đã được Bộ Y tế cấp trên 2.500 liều thuốc điều trị kháng vi rút. Với cơ số thuốc này, tất cả các ca F0 điều trị tại nhà đều được tiếp cận thuốc ngay từ đầu để giảm thiểu biến chứng và tử vong do COVID-19” - bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.

Với phương châm chống dịch là “vắc xin + 5K”, tất cả những người dân sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã qua 14 ngày vẫn cần thực hiện nghiêm 5K để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân và cộng đồng .

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.