Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền phòng, chống dịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Tạo những “lá chắn” từ cơ sở

08:41, 15/11/2021

Việc linh động trong cách thức tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, dần hình thành “lá chắn” phòng, chống dịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng và linh hoạt

Với gần 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó phần lớn là dân tộc Mông đã đặt ra nhiều thách thức đối với xã Cư Pui (huyện Krông Bông) trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân để phòng, chống dịch COVID-19. Giải bài toán này, trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của ngành chức năng, xã đã chỉ đạo các trưởng thôn tự dịch sang tiếng Mông rồi dùng điện thoại di động thu âm lại, phát trên loa di động. Khi chở loa đi tuyên truyền, các trưởng thôn, buôn cũng phát tờ rơi, giải thích thêm cho người dân.  Bên cạnh đó, nhân viên đài truyền thanh xã cũng biên soạn, tiếp phát các nội dung tuyên truyền pháp luật và phòng, chống dịch phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân trên địa bàn để phát trên hệ thống truyền thanh xã.

Ông Y Theng Mdrang, Trưởng buôn Khanh, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) nhắc nhở người dân từ vùng dịch về thực hiện nghiêm quy định tự cách ly tại nhà.

Ông Y Theng Mdrang, Trưởng buôn Khanh xã Cư Pui cho hay, toàn buôn có trên 80% đồng bào DTTS, nhiều người không thông thạo tiếng phổ thông nên nếu chỉ tuyên truyền suông theo văn bản thì bà con khó hiểu, khó nhớ để thực hiện. Vì vậy, thành viên ban tự quản, các đoàn thể và tổ COVID-19 cộng đồng chia ra “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giải thích cho bà con hiểu 5K là gì, tại sao phải thực hiện 5K. Khi có nhà nào cần thực hiện cách ly, thay vì dán thông báo thì xã đã chỉ đạo dùng dây căng lên. Đây cũng là quy ước để bà con dễ nhận biết và không tiếp xúc. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân, nhất là tại các thôn, buôn DTTS. Muốn vậy, công tác tuyên truyền cần đi thẳng vào vấn đề, nói làm sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất, lấy những ví dụ minh họa sinh động ngay tại buôn làng để bà con dễ hình dung. Nhờ vậy, người dân trên địa bàn xã đã dần thay đổi nhận thức, thói quen, hạn chế đi lại, tập trung đông người, thực hiện đeo khẩu trang khi ra đường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

 

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng sản xuất các nội dung, in ấn tờ rơi bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS để tuyên truyền bà con tích cực, chủ động trong phòng, chống dịch, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế."

 
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh H’Yâo Knul

Xã vùng III Cư Bông (huyện Ea Kar) có 70% dân số là đồng bào DTTS. Để người dân có thể nắm bắt và thực hiện phòng, chống dịch, ngoài 12 cụm loa truyền thanh, xã đã chỉ đạo 40 tổ COVID-19 cộng đồng tổ chức ký cam kết về phòng, chống dịch; sử dụng loa di động tuyên truyền. Ban Dân vận Đảng ủy xã do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nói cho dân nghe, dân hiểu.

Chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung và giải pháp triển khai cụ thể.

Nhằm đa dạng thông tin, hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch trong đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng, sản xuất chương trình phát thanh về nội dung phòng, chống dịch bằng ba thứ tiếng Việt - Êđê - M’nông để tuyên truyền trên sóng phát thanh của đài phát thanh - truyền hình 15 huyện, thị xã, thành phố và 62 đài truyền thanh ở xã có đông đồng bào DTTS.

Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng động viên, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch. Nhiều người có uy tín đã trở thành những “đầu tàu” trong công tác tuyên truyền ở cộng đồng, nhắc nhở bà con từ những việc nhỏ nhất như: đeo khẩu trang, ai ở đâu ở yên đó, hạn chế tập trung ăn uống đông người, giảm quy mô khi tổ chức việc hiếu, hỷ...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar kiểm tra công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch tại buôn Ea Bô (xã Cư Bông).

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh H’Yâo Knul, khi dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS diễn biến phức tạp, số ca F0 là người DTTS tăng nhanh, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thực phẩm cho đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi dịch; đề xuất và tổ chức cấp phát trên 200 triệu đồng do Ủy ban Dân tộc hỗ trợ cho 101 ca F0 là người DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; hỗ trợ kinh phí cho người có uy tín tham gia phòng, chống dịch.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.