Multimedia Đọc Báo in

Người dân bất an với "con đường đau khổ"

08:17, 27/12/2021

Hàng chục năm nay, mỗi lần lưu thông qua tuyến đường liên xã Ea Lê - Ea Rốk (huyện Ea Súp), người dân địa phương đều bị ám ảnh và cảm thấy bất an vì đường hư hỏng trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Tuyến đường liên xã Ea Lê – Ea Rốk dài 11 km, hiện nay phần lớn đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn và vùng lân cận. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn khoảng 2 km (từ thôn 17 đến thôn 11 xã Ea Rốk) bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Quan sát thực tế cho thấy, bề mặt đường chằng chịt "ổ gà", "ổ trâu", thậm chí một số vị trí xuất hiện hố sâu, sình lầy như cái "bẫy" thường trực đe dọa người tham gia giao thông. Lúc mưa xuống, tuyến đường ngập, hàng loạt “ao” sâu quá đầu gối, nước đọng chiếm hết mặt đường, dù chỉ 2 km nhưng mỗi lần lưu thông qua đoạn đường này, người dân phải “bì bõm”, vật lộn với sình lầy, hố sâu. Còn mùa nắng, mặt đường đá dăm lởm chởm, bụi bay phủ kín quán ăn, nhà dân.

Mỗi lần mưa xuống, con đường biến thành... sông.

Anh Trần Văn Cường (thôn 17, xã Ea Rốk), chủ kinh doanh xưởng cán tôn bức xúc: "Khi mưa xuống, đoạn đường trước xưởng của gia đình tôi biến thành “sông”, phương tiện và người tham gia giao thông rất khó khăn. Việc kinh doanh, buôn bán của gia đình vì thế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều gia đình muốn mua tôn tại cửa hàng nhưng do đường sá khó vận chuyển nên đã lựa chọn mua chỗ khác".

Theo hướng từ trung tâm xã Ea Lê vào trung tâm xã Ea Rốk, tuyến đường đoạn qua thôn 9 cũng chi chít "ổ gà" khiến đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của người dân dọc tuyến bị ảnh hưởng nặng. Anh Trần Mạnh Duyên (thôn 9, xã Ea Rốk), chủ một tiệm cắt tóc cho hay: Thực trạng đường xuống cấp đã từ lâu. Hằng ngày, lưu lượng phương tiện qua lại nhiều nên tuyến đường xuống cấp ngày một nhanh hơn. Mùa mưa, con đường bị trũng nước, nhiều người dân và học sinh phải "bì bõm" lội qua. “Tiệm cắt tóc cần sạch sẽ, nhưng mưa xuống thì bùn đất lấm lem, mùa nắng thì bụi bặm phủ khắp quán, nhiều khách tới nhìn cũng ngao ngán quay đầu xe không dám vào tiệm”, anh Duyên than thở.

Xe chở hàng hóa "bò" qua vũng bùn sình lầy.

Theo ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk, đây là tuyến đường liên xã nên lưu lượng phương tiện qua lại nhiều. Đặc biệt, sau đợt lũ vào tháng 10 vừa qua, đường bị hư hỏng nghiêm trọng hơn, người dân càng thêm khổ sở mỗi khi đi lại. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã làm tờ trình gửi HĐND huyện đề xuất tạm khắc phục mặt đường cho bà con đi lại, sản xuất, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề trong lúc chờ nguồn vốn bố trí cho dự án. Chính quyền rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, sớm tu sửa, xây dựng lại tuyến đường, đầu tư vỉa hè, điện chiếu sáng... giúp người dân an tâm đi lại, sinh hoạt và sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện Ea Súp cho biết, đoạn đường này nằm trong Dự án đường giao thông từ Trung tâm xã Ia Jlơi đi Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-UBND, ngày 24/6/2021.

Theo đó, tuyến đường sẽ được xây dựng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông với chiều dài gần 2 km. Quy mô đầu tư xây dựng là đường cấp IV vùng núi; vận tốc thiết kế 40 km/giờ; nền đường rộng 7,5 m, với tổng mức vốn 29 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh đầu tư.

Dự án đã được UBND tỉnh bố trí số vốn là 2 tỷ đồng để thực hiện bước chuẩn bị đầu tư, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và Ban QLDA (chủ đầu tư) đã hoàn thành xong bước này. Đến thời điểm hiện tại, do chưa được bố trí vốn để thực hiện đầu tư nên dự án này chưa được triển khai các bước tiếp theo.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.