Multimedia Đọc Báo in

Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo

06:38, 09/12/2021

Sau gần 1 năm triển khai, mô hình thu gom phế liệu xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần làm xanh – sạch – đẹp môi trường mà còn tạo được nguồn vốn hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” được Hội LHPN xã Ea Ktur triển khai từ đầu năm 2021. Theo đó, cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện và vận động gia đình, người dân địa phương phân loại rác thải hằng ngày, để riêng các loại phế liệu (gồm: vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, sắt, đồng, nhôm, giấy bìa... bị hư hỏng, thải loại) trong vườn nhà.

Cứ đều đặn 6 tháng một lần, các chị là trưởng và phó chi hội phụ nữ thôn, buôn trên địa bàn xã mang xe đến nhà từng hội viên, người dân trong thôn, buôn để thu gom phế liệu về tập kết tại một địa điểm chung được bố trí ở khu vực nhà văn hóa xã và bán lấy quỹ.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay các chị em đã thu gom được gần 4 tạ phế liệu, gây quỹ được hơn 3 triệu đồng. Nguồn quỹ này được Hội LHPN xã dùng để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hội viên phụ nữ xã Ea Ktur thu gom phế liệu để gây quỹ.

Mô hình này được đông đảo hội viên phụ nữ và người dân địa phương ủng hộ tích cực bởi việc gom phế liệu không chỉ làm sạch môi trường mà còn mang lại hoạt động ý nghĩa là hỗ trợ đối tượng khó khăn, đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh của người dân. Đây là một trong những cách làm sáng tạo được cụ thể hóa từ Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Chị Lê Thị Mai là tiểu thương buôn bán tại chợ xã Ea Ktur, biết được việc làm ý nghĩa của tổ chức hội phụ nữ, chị đã dành toàn bộ số phế liệu tích góp được gần 1 tạ cho hội. Việc làm của chị Mai đã tạo được hiệu ứng tốt, nhiều chị tự nguyện ủng hộ phế liệu để gây quỹ.

Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ktur cho biết: “Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo, khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương vì đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Điều đáng ghi nhận là từ phong trào đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ”.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.