Multimedia Đọc Báo in

Học bổng Vừ A Dính: Chăm lo cho những "mầm xanh" của đất nước

06:14, 18/01/2022

Tết Nguyên đán 2022 cận kề, niềm vui lan tỏa đến 120 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số (DTTS) được nhận học bổng Vừ A Dính, trong đó có 90 học sinh tiểu học, THCS, THPT và 30 sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Vinh dự được nhận học bổng năm học này, em Bùi Đức Chí, học sinh Trường THCS Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) xúc động bày tỏ: “Ba em mất đột ngột cách đây một tháng do bệnh nhồi máu cơ tim. Gia đình em khó khăn, nay mất đi trụ cột chính về kinh tế khiến cuộc sống vất vả hơn. Nhận được học bổng, em rất vui, mẹ con em sẽ bớt khó khăn”.

Tương tự, em H’Xôn Kễn, học sinh Trường THCS Ea Tiêu (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vui mừng cho biết, gia đình em có bốn chị em. Ba mẹ làm nông nhưng vườn, rẫy ít. Hằng ngày, em phụ giúp công việc nhà, chăm em. Cả nhà em ai cũng vui mừng vì em được nhận học bổng. Em dùng một phần học bổng mua thêm sách vở, số còn lại đưa hết cho mẹ để trang trải cuộc sống.

Em H’xôn Kễn (thứ ba từ trái sang), học sinh Trường THCS Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) nhận Giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ.

Niềm vui được nhận học bổng với 30 sinh viên người DTTS của Trường Đại học Tây Nguyên như được nhân lên. Em Nông Thị Hằng, sinh viên năm 4 ngành Giáo dục tiểu học, khoa Sư phạm tâm sự: "Số tiền học bổng không quá lớn nhưng có giá trị tinh thần đối với em. Đó là sự ghi nhận nỗ lực của em trong học tập, rèn luyện". Nhà Hằng có sáu anh chị em. Ba mẹ làm nông nhưng gần đây sức khỏe của ba yếu đi nhiều nên mẹ Hằng trở thành trụ cột gia đình. Ngoài nuôi các con thì mẹ Hằng còn chăm sóc ông ngoại nữa nên cuộc sống luôn khó khăn. Học bổng là động lực để Hằng học tốt hơn và là nguồn động viên để các em của Hằng cố gắng học tập.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính Trương Mỹ Hoa trao học bổng cho các học sinh vượt khó năm học 2021 - 2022.

Là tỉnh miền núi, có 49 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ học sinh DTTS của Đắk Lắk chiếm khoảng 35% tổng số học sinh toàn tỉnh. Những năm qua, công tác giáo dục học sinh DTTS luôn được ngành GD-ĐT quan tâm, với nhiều nội dung được đưa vào chương trình giảng dạy như: giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tiếng Việt; giáo dục ngoài giờ chính khóa; giáo dục văn hóa dân tộc và giáo dục địa phương; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hiện tại, học sinh DTTS Đắk Lắk đang thụ hưởng nhiều dự án của Quỹ học bổng Vừ A Dính. Trong đó, có 5 gương sáng điển hình được nhận tiền hỗ trợ hằng tháng từ Dự án Chắp cánh ước mơ; 3 học sinh được các trường ký thỏa thuận nuôi dạy từ lớp 6 đến lớp 12; 5 nữ sinh được hỗ trợ một phần khó khăn về kinh tế theo Dự án Mở đường đến tương lai... Ngoài ra, năm học 2020 - 2021, Quỹ học bổng Vừ A Dính cũng phối hợp với nhà tài trợ hỗ trợ 105 suất học bổng thường niên trị giá hơn 100 triệu đồng cho học sinh DTTS vượt khó.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã, đang góp phần bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Sự hỗ trợ, đồng hành của Quỹ đã giúp nhiều học sinh, sinh viên DTTS địa phương có thêm nguồn lực kinh tế để động viên, khuyến khích các em học tập.

Tại lễ trao học bổng cho học sinh, sinh viên DTTS có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi năm học 2021 - 2022 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 1 vừa qua, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính Trương Mỹ Hoa chia sẻ: "Chúng tôi rất mừng khi có sự đồng hành, quan tâm của tỉnh Đắk Lắk đối với các hoạt động của Quỹ học bổng tại địa phương. Mong các học sinh, sinh viên DTTS nhận học bổng sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện vượt qua những khó khăn, vươn lên trong học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với niềm tin yêu của người thân, xã hội và những cá nhân, tổ chức vun đắp cho Quỹ học bổng Vừ A Dính".

Quỹ học bổng Vừ A Dính được Ban Bí thư Trung ương Đoàn thành lập. Sau hơn 22 năm hoạt động, Quỹ đã trao hơn 90.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên DTTS và vùng biển đảo. Ngoài cấp phát học bổng thường niên, Quỹ còn chú trọng đến những dự án đầu tư theo chiều sâu với nhiều mô hình đa dạng như: Ươm mầm tương lai, Chắp cánh ước mơ, Hỗ trợ sinh viên, Thắp sáng tương lai, Mở đường đến tương lai.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.