Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày giữa tâm dịch...

08:26, 03/01/2022

Dịch bệnh bắt đầu tràn đến TP. Hồ Chí Minh từ khoảng cuối tháng 4/2021 nhưng phải đến đầu tháng 7, chính xác là tối 6/7/2021, khi UBND thành phố quyết định giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19) thì cả thành phố rơi vào tâm trạng căng thẳng.

Chưa bao giờ phải sống trong cảnh “cửa đóng then cài”, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, hệ thống thương mại dịch vụ đóng cửa tuyệt đối, phố xá vắng lặng thật đáng sợ. Chỉ sau một tuần giãn cách, chuỗi cung ứng hàng hóa rơi vào đứt gãy, người dân thành phố trải qua những ngày căng thẳng vì lương thực, thực phẩm dự trữ đã cạn kiệt.

Chính trong những ngày căng thẳng ấy, người dân thành phố mang tên Bác đã nhận được sự tiếp ứng từ các tỉnh bạn, đầu tiên là Quảng Bình rồi đến Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Tĩnh…

Hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các địa phương gửi hỗ trợ nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sĩ Nhân

Thời điểm này, dịch cũng đã lan dần tới các tỉnh Tây Nguyên, nhưng với sự kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với TP. Hồ Chí Minh. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chung tay, phát động kêu gọi hỗ trợ thành phố, nổi bật nhất là phong trào do Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên của Công an tỉnh, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột... Chỉ sau vài ngày phát động, 13 tấn rau sạch, trái cây và nhu yếu phẩm thiết yếu đã được chuyển từ Đắk Lắk về TP. Hồ Chí Minh và đến với các bệnh nhân đang điều thị tại Bệnh viện Quân y 175, các khu cách ly và bếp ăn từ thiện. Những chuyến xe chở rau củ, nhu yếu phẩm… tiếp nối nhau từ Đắk Lắk về TP. Hồ Chí Minh, góp phần giúp các bếp từ thiện liên tục đỏ lửa, hỗ trợ hàng chục nghìn suất ăn nghĩa tình miễn phí cho các lực lượng chốt chặn, người bị kẹt trong các khu phong tỏa, cách ly.

Những người dân và sinh viên, học sinh Đắk Lắk đang học tập, làm việc ở TP. Hồ Chí Minh cũng góp sức vận động quyên góp hỗ trợ nhu yếu phẩm, các suất ăn cho người dân các khu cách ly, phong tỏa, người lao động nghèo trên địa bàn thành phố.

Rồi từ TP. Hồ Chí Minh, một phong trào vận động trong cộng đồng người dân Đắk Lắk cũng được phát động để quyên góp hỗ trợ người dân cũng như các địa phương ở quê nhà đang khó khăn trong chống dịch.

Một đêm, anh bạn là doanh nhân quê Đắk Lắk chuyển cho tôi bức thư kêu gọi, có đoạn viết rất cảm động: “Những ngày này, Đắk Lắk của chúng ta đang vất vả căng sức vượt qua đại dịch, những trái tim của những người con Đắk Lắk xa quê đâu đó cũng thổn thức những nỗi lo cho quê hương, nhưng hãy tin rằng với sự kiên cường vốn có cùng sức mạnh nội lực và tình yêu thương đoàn kết bền chặt, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua thời khắc khó khăn lịch sử và tiếp tục tự hào về nơi đây như cách chúng ta đã từng tự hào và yêu quê hương này… Trên khắp nơi trong tỉnh, hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc không ngừng nghỉ. Hàng ngàn dân quân, công an, bộ đội, tình nguyện viên đang ngày đêm chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 để mang lại bình yên và nụ cười cho bà con nhân dân…”. Sau những đợt vận động là tiền mặt hoặc những chuyến hàng là khẩu trang, nước rửa tay, bảo hộ, kính chắn giọt bắn… được chuyển về các địa phương và đơn vị chức năng ở tỉnh Đắk Lắk.

Hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các địa phương gửi hỗ trợ nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Từ đầu tháng 10/2021 trở đi, trong lúc dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh đỡ áp lực hơn sau những nỗ lực truy vết, giãn cách và phủ vắc xin, thì Đắk Lắk lại rơi vào tình trạng khó khăn hơn do số lượng các ca dương tính trong cộng đồng ngày càng tăng, nhất là sau những đợt người lao động từ các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch. Lúc ấy, Sở Y tế Đắk Lắk đã gửi văn bản đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Những chuyến xe từ TP. Hồ Chí Minh mang trang thiết bị, vật tư y tế lên “tiếp lửa” cho Đắk Lắk. Đó là tấm lòng của cán bộ, nhân dân thành phố, có cả những người con của Đắk Lắk đang sinh sống và học tập tại đây. Các y bác sĩ của thành phố cũng lên đường đến Đắk Lắk hỗ trợ công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội cho nước ta. Nhưng chính trong lúc khó khăn ấy, nghĩa đồng bào, tình đồng chí lại bừng sáng.

Năm mới 2022 đến với bao bề bộn, lo toan nhưng hương vị Xuân vẫn tràn đầy, lòng vẫn vững tin vào một năm mới tốt lành, bình yên và tràn trề hy vọng.

Lương Duy Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.