Multimedia Đọc Báo in

Nhớ Tết ở chiến trường K

11:27, 21/01/2022

Đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng trong trái tim những cựu chiến binh (CCB) Quân khu 5 từng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên chiến trường Campuchia vẫn dâng trào bao niềm xúc động xen lẫn tự hào khi nhớ về những kỷ niệm trên đất bạn mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Gần 44 năm trước, ngày 30/7/1978, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn 307 - Sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 5. Vừa được xếp vào đội hình này, cán bộ, chiến sĩ đã bước ngay vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Tháng 12/1978, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia chống lại họa diệt chủng do bọn Pôn-pốt Iêngxary gây ra, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam, Sư đoàn 307 đảm nhiệm trên hướng tiến công chủ yếu của Quân khu 5, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng của bạn tiến công, đánh bại quân địch ở địa bàn các tỉnh đông bắc Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng lại cuộc sống hòa bình, ổn định, phát triển.

Cựu chiến binh Sư đoàn 307 dâng hoa tại nghĩa trang và khu mộ đồng đội.

Đại tá Võ Văn Chỉnh, nguyên Chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 307 nhớ lại: “Trên đất bạn, người lính tình nguyện chỉ được dùng 3 thứ: Không khí, nước và củi để nấu ăn. Dù cá dưới sông, trái cây trên đầu có sẵn nhưng ai nấy đều nghiêm khắc với chính mình, chấp hành nghiêm kỷ luật, không được lấy thứ gì. Vào dịp Tết, cùng với thực hành tiết kiệm, các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng cây lương thực, rau xanh, chăn nuôi bò, heo, gà… Những quân nhân có hoa tay đảm nhận vẽ hoa đào trên tấm phông lớn. Đơn vị còn phân công nhau ra rừng tìm chọn nhánh cây có dáng giống cành mai, rồi hì hục cắt - dán - nắn - uốn thành nhành mai giả hoành tráng. Dịp này, ai nhận được thư từ, bưu phẩm hậu phương gửi đến đều mừng rơi nước mắt, người không có thì lặng lẽ lục ba lô lấy thư cũ ra đọc. Có những người đọc thuộc rất nhiều lá thư nhà vì thế”.

Nhiều CCB hồi tưởng, ngày ấy, người lính tình nguyện bữa ăn chủ yếu độn mì, cá khô, canh rau rừng, nước mắm gạo rang, sung chát muối chua… Ngày đêm “khua sương, đạp rắn, cắn mìn”, có thể “chạm tay” vào cái chết bất kỳ lúc nào. Ngay dịp Tết cổ truyền dân tộc, sang lắm cũng chỉ có chút ít thịt hộp, cá muối. “Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”, cũng bởi vậy, tình đồng đội sâu nặng như cật ruột. Thương các chiến sĩ phải thường trực đối mặt với gian khổ, hiểm nguy, cố Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Bân (quê phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 luôn tâm lý, thấu hiểu. Có dịp đi họp ở Phnôm Pênh bằng trực thăng, Thiếu tướng Phạm Bân bao giờ cũng dùng tiền phụ cấp của mình mua tặng anh em năm bảy thùng bia về liên hoan trong các dịp lễ, Tết. “Tướng sĩ một lòng”, trước tình cảm sâu nặng ấy, khi đón nhận món quà của Sư đoàn trưởng, quân nhân nào cũng rưng rưng xúc động.

Chiến sĩ Quân khu 5 trên chiến trường Campuchia.

Còn với những người lính Sư đoàn 315, trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở chiến trường Campuchia (1979 - 1989), họ đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Mặt trận 579. Đại tá Nguyễn Đình Phúc, nguyên Trưởng ban Trinh sát Sư đoàn 315 xúc động hồi tưởng: “Chiến đấu trên một chiến trường rừng núi khắc nghiệt, Tết đến, ai cũng da diết nhớ quê hương, người thân, bè bạn. Giao thừa đứng trong chiến hào chật hẹp, súng chắc trong tay, chúng tôi kề vai bên nhau, chia sẻ niềm mong ước chiến tranh mau kết thúc, mơ ngày đoàn viên cùng gia đình, khát khao sẽ trở thành công nhân lái máy cày trên đồng ruộng, thành phi công tung cánh trên bầu trời quê hương thanh bình, thầy giáo trên giảng đường đại học…”.

Đại úy Hà Phúc Lại, nguyên y sĩ Đại đội quân y 18 Trung đoàn 142 (Sư đoàn 315) bồi hồi: “Thương binh đông, có anh được chuyển từ mặt trận về cấp cứu, điều trị trên những chiếc võng cáng thương vượt đường rừng hơn 40 - 50 km. Có chiến sĩ vận tải cứu thương dẫm trúng mìn của địch phải cưa chân, tháo khớp, có người đã vĩnh viễn ra đi. Người thì bị sốt ác tính, sốt rét rừng hành hạ… Trong khi đó, thuốc men, dụng cụ y tế khan hiếm, quân y chúng tôi phải giặt băng gạc, mài kim tiêm để tái sử dụng, chưng cất dịch truyền từ nước mưa, đường glucôza. Có khi ngay trong ngày Tết, bàn mổ vẫn làm việc quyết cứu chữa, giành giật sự sống cho thương, bệnh binh. Để anh em yên lòng, các thầy thuốc sẵn sàng thức trắng đêm xoa bóp làm dịu cơn đau, nhường khẩu phần ăn, hát những bài được yêu cầu…”.

Có gian khổ, hy sinh mới có những mùa xuân hòa bình, yên vui. Chiến tranh đã lùi xa, trở về từ lằn ranh sinh tử, các CCB từng sống và chiến đấu trên chiến trường Campuchia luôn đau đáu hướng về những đồng đội còn nằm lại trên đất bạn. Ban liên lạc CCB ở các địa phương đã kết nối họ với nhau tổ chức các chuyến hành quân về nguồn, cung cấp thông tin, dẫn đường cho các đội quy tập mộ liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc, hài cốt đồng đội đã khuất…

Nghĩa tình sâu nặng, thủy chung của những người lính một thời “vào sinh ra tử”, nghị lực sống xứng đáng với quá khứ vinh quang của họ mãi tiếp lửa cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay học tập và noi theo, để mỗi mùa xuân tới càng nỗ lực thi đua “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.