Người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình
Mạng xã hội (như Facebook, Zalo…) đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại số, với số lượng người sử dụng rất đông. Thế nhưng, bên cạnh nhiều điểm tích cực thì “xã hội ảo” này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ lệch lạc về chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử của những người sử dụng.
Thời gian qua, không ít trường hợp sau khi thực hiện những hành vi gây phản cảm, tạo dư luận xấu trên mạng xã hội đã đổ lỗi cho việc tài khoản bị hack (hoạt động nhằm mục đích khai thác và truy cập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính, thiết bị hoặc mạng mà không có sự cho phép từ chủ sở hữu) hoặc do người khác đăng nhập chứ không phải do mình.
Hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
(Ảnh minh họa) |
Bộ quy tắc này đề ra những yêu cầu chung cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước và nhân sự thuộc quản lý của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Trong đó, đối với tổ chức, cá nhân, ngoài nhà nước có 8 nguyên tắc ứng xử, bao gồm:
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Có thể nói, với bộ quy tắc này, việc bảo quản tài khoản mạng xã hội đã trở thành trách nhiệm và người sử dụng không còn có thể dễ dàng đổ lỗi cho cá nhân khác tự ý đăng nhập vào tài khoản của mình.
Thực tế hiện nay cơ quan điều tra hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm chứng đối với trường hợp bị “hack” tài khoản. Vì vậy nếu ai đó cho rằng tài khoản của mình bị “hack”, bị người khác đăng nhập thì có thể báo cáo với nhà mạng và cơ quan chức năng sẽ làm rõ thực hư vấn đề. Ngược lại nếu có sự nhầm lẫn hay cố tình đổ lỗi thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy vào mức độ gây thiệt hại, ảnh hưởng cho xã hội.
Bộ quy tắc này chính là cơ sở quy trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức trong việc bảo mật và chịu trách nhiệm với những hành vi thực hiện qua tài khoản mạng xã hội của mình; vì vậy mọi người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức cảnh giác và có trách nhiệm hơn đối với việc sử dụng mạng xã hội, cũng như cẩn trọng hơn trong phát ngôn hay chia sẻ thông tin.
Đặng Công Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc