Multimedia Đọc Báo in

Những trái tim hồng

09:42, 06/02/2022

Lòng nhân ái là truyền thống, phẩm chất quý giá của người Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19 lòng nhân ái  càng được nhân lên và lan tỏa...

Việc làm xuất phát từ trái tim

Hơn 150 tấn rau củ quả mang tên “Rau 47” đã chuyển đến những bếp ăn nơi tuyến đầu chống dịch và bà con ở tỉnh Bình Dương, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh ở đợt dịch COVID-19 năm 2020 và năm 2021 thật trân quý.

Đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được, nhất là trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc huy động nhân lực thu hoạch, đóng gói, khuân vác, vận chuyển, phân phối rau ở các điểm đang phong tỏa làm sao để rau đến được tay người dùng nhanh nhất, đúng địa chỉ cần nhất… Tất cả những vấn đề này được chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) giải quyết nhanh chóng, ổn thỏa.

Chị Thanh gửi rau củ quả tặng tỉnh Bình Dương.

Nhiều năm nay chị Thanh tham gia hoạt động từ thiện của cơ quan, đoàn thể, hội, nhóm thiện nguyện và lập nên nhóm thiện nguyện Rau 47 đi đến những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh mang đến cho trẻ em nghèo những “bữa cơm có thịt”; tặng áo ấm, trao học bổng, giúp đỡ bà con nghèo với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Việc “bỏ ngang” vị trí giám đốc ở một cơ quan nhà nước để thành lập doanh nghiệp chế biến rau củ quả cũng xuất phát từ cái tâm: “Thương bà con nông dân, mong muốn nâng cao giá trị nông sản, mang lại thu nhập ổn định để nông dân bớt khổ!”.

Không những kêu gọi, vận động thu gom rau củ quả, trong những đợt dịch COVID-19 vừa qua chị Thanh đã cung cấp trên 500 kg nông sản cao cấp được trồng ở các nhà vườn liên kết với Công ty của chị để phục vụ bữa ăn cho các chốt kiểm soát, bệnh viện dã chiến trong và ngoài tỉnh.

Tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh

Gắn bó với công tác nhân đạo hơn 12 năm, chị Trần Thị Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc trở thành điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh. Hễ việc gì khó không nhờ cậy được ai, họ lại gọi “Chị Thành!”

Như hoàn cảnh của bà H’Lê Ayun ở thôn Tân Tiến (xã Ea Yông) năm nay đã ngoài 70 tuổi phải tần tảo nuôi con trai 53 tuổi bị bệnh tâm thần. Trước đây, bà H’Lê đi làm thuê nuôi con, giờ sức khỏe yếu, chỉ có thể trông chờ vào nguồn trợ giúp xã hội. Thông qua chị Thành, từ cuối năm 2021, bà Võ Thị Thu Hồng (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An) hỗ trợ bà H’Lê 1 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Thành hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân xã Ea Yiêng.

Đầu tháng 9 vừa qua, tài khoản Facebook của chị Thành được gắn tên một bé trai 4 tuổi ở xã Ea Kuăng, mắc bệnh ung thư máu đang cần gấp 1 đơn vị máu O. Đọc tin, chị Thành chủ động liên lạc với gia đình cháu bé. Thời điểm đó, địa phương đang giãn cách xã hội, chị không đi được. Ngay lập tức, chị Thành liên hệ với nhiều “địa chỉ đỏ” ở TP. Buôn Ma Thuột, đến chiều cùng ngày, cháu bé đã được truyền máu.

48 trường hợp khó khăn được chị Thành cùng các nhà hảo tâm đồng hành, giúp đỡ về nhà ở, nhu yếu phẩm, tặng sổ tiết kiệm, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch… là ngần ấy sự vất vả song cũng đong đầy niềm vui vì đã giúp được những phận người kém may mắn.

Những ngày tình nguyện khó quên

Những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, anh Thân Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông tổ chức sự kiện Hoàng Bình, TP. Buôn Ma Thuột luôn tất bật với công tác thiện nguyện.

Anh Bình liên hệ tình nguyện viên kêu gọi các nhà vườn trong tỉnh và các tỉnh lân cận hỗ trợ hơn 40 tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm, rồi xin “chuyến xe 0 đồng” vận chuyển tặng người dân các tỉnh phía Nam. Không chỉ đến tận vườn thu hoạch, anh Bình còn điều phối hoạt động thu hái, vận chuyển nông sản ở các vùng khác tới nơi tập kết, nhằm mang được nhiều thực phẩm đến với người dân.

Khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, anh Bình tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại 3 địa điểm ở TP. Buôn Ma Thuột. Từ ngày 20 đến 26/8/2021, anh đã giúp hàng trăm người dân khó khăn với tổng kinh phí hơn 125 triệu đồng; kêu gọi thực hiện chương trình Túi thuốc yêu thương, tặng 700 túi thuốc, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Anh Thân Văn Bình thu hoạch rau, củ tặng người dân đợt dịch COVID-19.

Không dừng lại ở đó, anh Bình còn là thành viên trong Đội Shipper xanh, trao nhà, quần áo, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Với những đóng góp cho hoạt động xã hội, anh Bình nhiều lần được Hội LHTN Việt Nam tỉnh tuyên dương, khen thưởng. Đặc biệt, anh Bình vinh dự được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Thanh niên tình nguyện năm 2021.

 “Gieo mầm” yêu thương

Xuân Nhâm Dần 2022 cận kề, công việc thiện nguyện của bà Nguyễn Thị Thịnh (ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột)  càng tất tật hơn. Bà vừa trao hơn 50 suất quà Tết tặng các gia đình bệnh nhân đang chạy thận và điều trị ung thư máu ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên.

Hơn 10 năm qua, gia đình bà Thịnh luôn duy trì việc mỗi tháng tiết kiệm một phần thu nhập để chia sẻ cùng những phận đời kém may mắn. Số tiền tiết kiệm làm từ thiện của gia đình bà Thịnh lên đến hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, vợ chồng bà Thịnh tuổi không còn trẻ, hai người con “thừa hưởng” gen nhân ái của cha mẹ, tiếp tục công việc thiện nguyện của gia đình.

Năm 2020, ông Phác - chồng bà Thịnh phải chạy thận ở BVĐK vùng Tây Nguyên. Nhận thấy hoàn cảnh của hơn 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo và bệnh nhi ung thư máu ở đây hết sức khó khăn. Thương cảm hoàn cảnh của những bệnh nhân, gia đình bà Thịnh quyết định mỗi tuần nấu hai bữa cơm, bún… vào thứ tư và thứ bảy tặng người bệnh.

Bà Thịnh đến với trẻ em nghèo ở xã Ea Trang, huyện M’Drắk.

Việc làm thiện tâm của bà Thịnh đã lan tỏa yêu thương, nhận được sự đồng cảm của một số người trẻ nên thỉnh thoảng họ hỗ trợ thêm một số bữa ăn ở những ngày khác trong tuần nhờ bà trao giúp… Bà Thịnh còn giúp đỡ những người bệnh quá khó khăn không có tiền mua dây ống chuyền hay tiền đổ xăng xe đi lại. Vào dịp lễ, Tết bà Thịnh đều tặng trẻ em bị ung thư máu những phần quà và tặng tất cả bệnh nhân đến lọc máu mỗi suất 100 - 200 trăm nghìn đồng để gia đình bệnh nhân nghèo có không khí đón Tết, vui Xuân.

Bà Thịnh trò chuyện, bà sẽ duy trì hoạt động thiện nguyện đến lúc nào còn có thể, vừa góp phần nhỏ giúp người, vừa làm gương cho con cháu. Noi gương ông bà, các cháu đã biết cùng phụ gói quà, nấu và đi trao cơm… Tiền thưởng đạt thành tích học tập, các cháu gửi hết cho bà để mua sữa tặng các bé bị ung thư máu. Điều này khiến bà Thịnh vui sướng vì đã “gieo mầm” yêu thương…

Hoàng Huyền Dung
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.