Multimedia Đọc Báo in

Nương náu dưới rừng

09:22, 06/02/2022

1. Các dân tộc bản địa Tây Nguyên ngàn năm sinh tồn giữa không gian đại ngàn nhưng không bao giờ họ tự nhận là chủ nhân núi rừng. Trò chuyện với nhiều già làng, tôi hiểu ra rằng, đồng bào ứng xử với tự nhiên như là một cách dự phần vào đời sống hoang dã.

Họ coi mình là một thực thể cộng sinh, một thành phần trong muôn ngàn giống loài tự nhiên. Không nên phán xét mà hãy trân trọng về một mạch tư tưởng, một thái độ ứng xử thể hiện sự tôn trọng, sự hòa hợp giữa con người với không gian sinh tồn của mình. Đại ngàn hùng vĩ và nhân văn thêm bởi hệ minh triết rừng, bởi lẽ sống của con người giữa thăm thẳm, mênh mang đại ngàn.

Thần có linh của thần, người có phúc của người. Giữa thiên nhiên hoang dã và bí ẩn, con người thật nhỏ bé, nhưng là sự nhỏ bé trong tâm thế bình đẳng. Trước núi rừng, trong tinh thần của cư dân rừng vừa có sự sợ hãi cố hữu, vừa có sự thân thuộc thường ngày. Họ tìm cách đối thoại để thêm phần hiểu biết mà đối phó. Họ tìm kiếm phương cách đối đãi qua các nghi lễ nhằm đạt sự thỏa hiệp, lại vừa hòa hợp bằng những phép ứng xử trở thành tập quán pháp. Và rồi, không biết tự bao giờ, lẽ sống của người ở rừng cũng hợp theo lý lẽ của rừng. Tươi xanh và cội cằn. Khoan hòa và thịnh nộ. Bao dung và tàn nhẫn. Dịu dàng và bạo liệt. Suốt bao đời qua, sống giữa đại ngàn hoang dã với muôn vàn đe dọa và cả những cơ hội vô tận, người ở rừng đã trải qua biết bao năm tháng gian nan và để lại một hệ thống di sản văn hóa đa dạng và lưu truyền một kho tàng tri thức bản địa vô giá…

Người Tây Nguyên sống gắn bó, hài hòa với rừng

Ông Ya Loan ở vùng Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nói với tôi rằng: “Từng có thời du canh, phát rừng làm rẫy, nhưng đồng bào mình ngày xưa không phát rừng tùy tiện. Người Chu Ru, Cơ Ho, Mạ không tàn phá những cánh rừng đầu nguồn. Là những cư dân “ăn rừng” mưu sinh nhưng việc khai thác lâm sản của ông bà trong quá khứ chỉ dừng lại ở nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của cộng đồng mà không tạo nên sinh lợi về tiền tệ”. Không được chặt cây hay săn bắt thú vật ở khu rừng đầu nguồn bởi theo các già làng, nếu tự ý chặt, bắt ở những khu rừng này sẽ bị thần linh trả thù, gây mất mùa, dịch bệnh hay chết chóc. Thực ra, sống ở rừng, người Tây Nguyên nhận thức sâu sắc giá trị của rừng đầu nguồn đối với sự bảo tồn và phát triển hệ sinh thái. Khi canh tác nương rẫy, đồng bào cũng trừ lại những khoảnh rừng trên đỉnh núi, giữ lại để các vị thần có nơi trú ngụ. Nhưng điều này thực sự cũng là khoa học, tri thức và kinh nghiệm. Người Tây Nguyên hiểu rằng, những khoảng rừng này chống lại mưa lũ, xói mòn; đồng thời là tác nhân tái sinh các loại cây hoang dại khi rẫy được bỏ hoang hóa trong quá trình luân canh.

Theo các già làng, trước đây, mỗi khi dân trong buôn hạ cây, họ phải làm lễ cúng Yàng Brê. Lễ vật có gà, heo hoặc dê và không thể thiếu rượu cần. Tín ngưỡng thờ Thần Rừng với những kiêng cữ, nếu gạt bỏ những màn sương huyền bí, có thể thấy đó là một phương thức tác động vào tự nhiên một cách khoa học, ngăn chặn các hành động tàn phá rừng một cách vô lối…

2. Trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên, rừng núi mênh mông nhưng có chủ rành mạch. Người chủ của đất rừng chính là các làng, từng làng. Rừng núi đã được “chia” cho từng làng từ thời xa xưa, Yàng đã giao cho từng làng ranh giới rõ rệt. Đất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Sở hữu rừng của một làng gồm có các loại rừng: Rừng đã thành đất thổ cư; rừng sản xuất (khu rừng dân làng khai thác làm rẫy); rừng sinh hoạt (nơi dân làng tìm lấy những thứ cần thiết cho mọi sinh hoạt của mình như mật ong, dây mây, rau ăn, con thú để săn bẫy, cây gỗ làm nhà); rừng thiêng (nơi trú ngụ của các vị thần, không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn). Tất cả các loại rừng đó đã hợp thành không gian sinh tồn, đồng thời tạo nên một không gian xã hội. Và như thế, làng ở Tây Nguyên là một thiết chế “làng rừng”.

Làm du lịch từ tài nguyên rừng là sinh kế bền vững của người Tây Nguyên

Có rừng thì có làng, cư dân các buôn làng sống trong tâm thế rừng như là làng nằm trọn trong không gian đại ngàn. Rừng với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, là hệ sinh thái mà còn là cội nguồn của đời sống tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người. Trong thẳm sâu tâm hồn của họ, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng có linh hồn, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau. Người Tây Nguyên sống theo “đạo đức của rừng”, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng. Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn.

Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng…

Nương náu dưới tán rừng, cư dân rừng đã tạo ra một hệ minh triết hòa hợp theo lý lẽ của rừng; vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, nhân văn và vô cùng thực tế. Bởi vậy, khôi phục “tâm thế” rừng để phát triển bền vững Tây Nguyên là khôi phục cả một không gian văn hóa ngàn đời được đồng bào sáng tạo, đắp bồi và trao truyền.

Tường Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.