Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những ngôi nhà nhân ái

07:28, 09/02/2022

Xã vùng sâu Cư Pui (huyện Krông Bông) có gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân có tấm lòng nhân ái, đã có hàng trăm gia đình trong diện hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở.

Do gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, từ hơn 3 năm nay, vợ chồng anh Y Thôn Niê và chị H'Uy Mlô (ở buôn Khóa) phải mượn nhà hàng xóm để ở. Anh chị có ba người con, vì khó khăn nên cách đây 2 năm, đứa lớn mới 13 tuổi đã nghỉ học đi làm thuê. Mới đây, gia đình anh chị may mắn được nhóm thiện nguyện của sư cô chùa Phước Đức (huyện Krông Bông) và Trường Tiểu học Cư Pui 1 hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm 10 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Không giấu được niềm vui, anh Y Thôn chia sẻ: “Nhờ có các nhà hảo tâm hỗ trợ nên Tết năm nay gia đình tôi đã được đón xuân trong chính ngôi nhà mới của mình, không còn phải ở nhờ nữa”.

Gia đình anh Y Thôn ở buôn Khóa trong ngôi nhà mới.

Cũng do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Y Den Mdrang, chị H’My Niê (ở buôn Khanh) chưa bao giờ dám nghĩ rằng có ngày mình sẽ xây được ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Hơn 10 năm qua, gia đình anh chị phải ở trong căn nhà dựng tạm bằng tre nứa, mỗi khi mưa gió lại dắt díu nhau sang nhà bên cạnh ở nhờ. Vậy mà dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, vợ chồng anh Y Den được đón xuân trong ngôi nhà xây có diện tích 100 m2 cao ráo, khang trang. Có được căn nhà mới này là nhờ gia đình anh chị được nhóm thiện nguyện Quỹ Năng Đoạn Kim Cương (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 50 triệu đồng; Chi hội Phụ nữ buôn Khanh cho vay 30 triệu đồng; anh chị mượn thêm người nhà 30 triệu đồng. Chị H’My cảm kích: “Tết nay gia đình vui lắm vì được ở nhà mới. Các con có chỗ ngồi học sáng sủa, an toàn. Nếu không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, sự quan tâm của chi hội phụ nữ và bà con lối xóm thì chưa biết đến khi nào gia đình mới làm được căn nhà chắc chắn để ở”.

Bà H’Kíp Mlô (ở buôn Khanh) cũng vô cùng hạnh phúc khi được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang do Ủy ban MTTQVN xã Cư Pui và nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” hỗ trợ. Căn nhà có diện tích gần 100 m2 với tổng kinh phí 120 triệu đồng; trong đó, Ủy ban MTTQVN xã hỗ trợ 10 triệu đồng, nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” hỗ trợ 70 triệu đồng. Trước đó, do chồng mắc bệnh nan y, bà H’Kíp đã phải bán ngôi nhà đang ở lấy tiền trả nợ chi phí điều trị. Đang trong hoàn cảnh “vô gia cư” thì gia đình bà được nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” và Ủy ban MTTQVN xã hỗ trợ xây nhà. Niềm vui đó được nhân đôi khi căn nhà hoàn thành và bàn giao kịp để gia đình bà đón Tết.

Ngôi nhà mới của gia đình bà H'Kíp Mlô ở buôn Khanh.

Hằng năm tại xã Cư Pui có hàng chục gia đình trong diện đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở từ các chương trình của Nhà nước cũng như các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm. Riêng năm 2021, các tổ chức thiện nguyện và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 9 ngôi nhà Nhân ái tại xã Cư Pui (trong đó có 6 ngôi nhà kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, trong những năm qua, nhờ được quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng mà hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn xã có nhà mới khang trang để ở. Đặc biệt, một số nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ xây dựng hàng chục ngôi nhà Nhân ái. Trong đó phải kể đến nhóm thiện nguyện “Người tôi cưu mang” trong 2 năm gần đây đã hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà cho 4 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tâm, hiện nay xã Cư Pui vẫn còn rất nhiều gia đình đang ở trong những căn nhà tạm bợ do không có điều kiện làm nhà mới. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí làm nhà cho người dân theo Chương trình 167 của Chính phủ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho những hộ này.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.