Multimedia Đọc Báo in

Tết ấm muôn nhà

06:05, 02/02/2022

Trong không khí rộn ràng, náo nức của mùa xuân, ở đâu đó vẫn có những hoàn cảnh, những gia đình không có điều kiện vui Tết trọn vẹn. Thế nhưng tình thương và sự sẻ chia của cộng đồng đã thắp nên niềm tin, hy vọng cho một năm mới tươi sáng hơn…

Ấm lòng người xa xứ

Năm nay là một năm đặc biệt với gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Nga và anh Dương Hoàng Anh, ở trọ tại 152 Lương Thế Vinh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) khi cả nhà được cùng nhau đón Tết bởi hai năm qua khi dịch COVID-19 ập đến cũng là thời điểm anh Hoàng Anh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vừa xa chồng, lại không thể về quê với bố mẹ, công việc bấp bênh, bao nhiêu khó khăn chồng chất một mình chị Nga cáng đáng. Khi xuất ngũ trở về, anh Hoàng Anh xin làm thợ sơn chưa được bao lâu thì dịch ở TP. Buôn Ma Thuột bùng phát. Dự tính làm thêm có đủ tiền để đưa vợ con về quê ngoại ăn Tết đành gác lại.

Chị Nguyễn Thị Kiều Nga và con gái trong niềm vui năm mới.

Vợ chồng anh chị lại lên kế hoạch cho cái Tết đầu tiên ở bên nhau trong khu trọ đầy ắp tình người này. Chị Nga chia sẻ: “Hai năm trước chỉ có chị và con gái đón Tết cùng mọi người ở xóm trọ. Năm nay dẫu khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng được nhìn thấy mọi người vẫn mạnh khỏe, con gái được đón Tết cùng bố, vợ chồng được ở gần nhau là thấy Tết đầy đủ và hạnh phúc rồi”. Cô con gái vừa tròn 2 tuổi xúng xính trong chiếc váy mới như cũng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi có đủ cả bố mẹ bên cạnh trong mùa xuân này.

Chín năm sống tại TP. Buôn Ma Thuột với nghề rửa bát thuê, năm nào cứ đến độ 25, 26 Tết là bà Nguyễn Thị Thủy, 54 tuổi quê ở Bình Dương lại gom góp về quê để lo hương khói cho cha mẹ, tổ tiên. Thế nhưng 2 năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 bà chỉ mong có việc làm để trang trải cuộc sống đã là may chứ không mơ được về nhà dịp Tết. Bà Thủy cho biết: “Mặc dù Tết không được về quê và còn nhiều thiếu thốn, nhưng chúng tôi nhận được quà của những người hảo tâm nên cái Tết ở khu trọ cũng bớt hiu quạnh”. Ở dãy trọ 129 Hoàng Hoa Thám (phường Tân Tiến) nơi bà đang sống cũng có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như bà. Với bà Thủy và những người lao động nghèo “mắc kẹt” lại thành phố này, niềm mong mỏi lớn nhất trong năm mới là tìm được việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Tết ở những ngôi nhà đặc biệt

Nguyễn Văn Trường năm nay 17 tuổi nhưng đã gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) suốt 14 năm qua. Trường có bốn anh chị em thì cả bốn đều được Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ từ nhỏ. Tết luôn là dịp em mong đợi nhất trong năm bởi chỉ những ngày này em mới được về bên mẹ, ăn những bữa cơm đoàn viên với cả gia đình. Năm nay Trường lại càng trông mong Tết hơn bởi cả hai chị đều đã rời Trung tâm để đi học, đi làm. Vì thế, Trường không khỏi chạnh lòng khi nghe tin mình và em không được về nhà như những năm trước, mẹ và các chị cũng ở lại TP. Hồ Chí Minh bởi việc đi lại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn khó khăn.

Sư cô Thích Nữ Huệ Huyền bên đàn con thơ tại chùa Bửu Thắng cơ sở II.

Lần đầu tiên, Trường và em đón Tết không có mẹ, không có các chị nhưng em cảm nhận không khí mùa xuân năm nay đến sớm hơn mọi năm. Thay vì dọn dẹp, trang trí cho ngôi nhà nhỏ của gia đình, các em cùng nhau lên ý tưởng trang trí ngôi nhà chung ở Trung tâm, cùng trang trí mâm cỗ ngày xuân, hồi hộp chờ đến đêm giao thừa, các thầy cô chấm điểm để tìm ra nhà đẹp nhất. Trường cùng các bạn còn được tham gia gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn ngày Tết cùng thầy cô, được tham gia các trò chơi tập thể, thi đấu bóng chuyền, bóng đá. Hòa chung tiếng cười rộn rã với mọi người, Trường càng cảm thấy tình yêu thương được nhân lên gấp bội, thấy mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn so với chính mình trong năm cũ vừa qua.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lê Đức Giáp chia sẻ, Trung tâm hiện nuôi dưỡng, bảo trợ 99 trẻ em, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm nay, do lo ngại về tình hình dịch bệnh nên tất cả các em đều đón Tết ở Trung tâm. Ban Giám đốc đã chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị tươm tất để các em đều được hưởng trọn vẹn không khí mùa xuân. Nhờ vậy, dù không có người thân bên cạnh, các em vẫn được vui xuân đón Tết trong tình thương yêu của các thầy cô, bạn bè, các anh chị em trong đại gia đình lớn này.

Chùa Bửu Thắng cơ sở II (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) là một mái ấm đặc biệt bởi nơi đây nuôi dưỡng 54 trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng. Mùa xuân năm nay dù thật nhiều khó khăn vì đại dịch nhưng với sư cô Thích Nữ Huệ Huyền và các phật tử, tình thương vẫn luôn rộng mở khi đón nhận thêm 2 thành viên mới chưa đầy 20 ngày tuổi.

Sư cô Thích Nữ Huệ Huyền tâm sự, các con rất thiệt thòi vì không có được hơi ấm từ những người ruột thịt. Bởi vậy, Tết năm nào chùa cũng tổ chức nhiều hoạt động để các con thêm niềm vui, thêm gắn kết với nhau và cảm nhận được tình yêu thương luôn hiện hữu. Các con được gói bánh chưng, trang trí cây mai, cây lộc may mắn. Ngày mồng Một là ngày vui nhất khi các con được hái lộc đầu năm, được thoải mái chơi đùa, chia nhau hạt dưa, bánh kẹo và được nhận lì xì là xâu chuỗi hạt để cầu mong bình an, sức khỏe.

Thấy các con hồn nhiên chơi đùa trong nắng ấm mùa xuân, sư cô lại càng thêm biết ơn sự tiếp sức, chung tay của cộng đồng. Dù dịch bệnh đã gây khó khăn cho mọi gia đình nhưng nhiều tấm lòng thơm thảo vẫn không quên hướng về những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại chùa để các con có tấm áo mới, có bữa ăn ngon, có thêm điều kiện học hành. Đó chính là sự tiếp sức quý giá giúp sư cô có thể làm người mẹ lớn, là người thầy dìu dắt các con lớn khôn.

Thúy An - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.