Multimedia Đọc Báo in

F0 điều trị tại nhà: Nan giải xử lý rác thải

07:44, 21/03/2022

Rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình có người mắc COVID-19 (F0) đang cách ly và điều trị tại nhà được xem là chất thải nguy hại, nguy cơ lây nhiễm cao, nếu không được quản lý, xử lý đúng quy định sẽ là nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng rất cao.

Khó thu gom xử lý rác thải sinh hoạt từ F0

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 922/BYT-MT, ngày 27/2/2022, F0 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng với những quy định nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm.

Rác thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Rác thải của người cách ly tại nhà phải phân loại với rác thải thông thường, đựng trong thùng rác chuyên dụng có nắp đậy, dán nhãn, phun khử khuẩn và phải được ưu tiên thu gom, vận chuyển, xử lý ngay trong ngày. Nhân viên vệ sinh môi trường có đồ bảo hộ, sử dụng phương tiện chuyên dụng khi thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Rác thải sinh hoạt của F0 điều trị tại nhà vẫn được thu gom, xử lý như rác thải sinh hoạt thông thường.

Quy định là như vậy, song trên thực tế việc triển khai gặp rất nhiều bất cập, thậm chí bất khả thi. Bởi với số lượng F0 điều trị tại nhà lớn, lại phân bổ rải rác ở tất cả các khu vực dân cư, trong khi lực lượng y tế lẫn lực lượng thu gom rác thải lại mỏng thì việc giám sát, xử lý rác thải phát sinh từ các F0 điều trị tại nhà khó có thể thực hiện theo đúng quy định.

Ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột - địa phương đang có trên 15.000 F0 điều trị tại nhà - hằng ngày, một lượng lớn rác thải sinh hoạt của F0 thải ra môi trường mà chưa có giải pháp phòng, chống lây nhiễm nào được triển khai. Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, vấn đề xử lý đúng quy định rác thải của F0 điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố hiện rất khó khăn do đơn vị thiếu phương tiện, nhân lực. Trước mắt, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phân loại, đóng gói gọn gàng và chủ động phun khử khuẩn trước khi đơn vị vận chuyển rác đến thu gom để hạn chế nguy cơ lây mắc COVID-19. Còn về lâu dài, Trung tâm đã kiến nghị các cấp chính quyền và các ban, ngành có sự hỗ trợ lực lượng y tế trong việc xử lý chất thải lây nhiễm nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Theo ông Bùi Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, công ty chỉ có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, còn rác thải y tế thì thuộc về trách nhiệm của các đơn vị khác. Giai đoạn trước đây, số lượng F0 điều trị tại nhà rất ít nên lực lượng y tế khử khuẩn rác thải từ bệnh nhân trước khi mang đi xử lý. Tuy nhiên, hiện nay số lượng F0 điều trị tại nhà nhiều, lực lượng y tế lại quá tải nên việc khử khuẩn rác thải do F0 thải ra không được phân loại, khử khuẩn. Hơn nữa, hiện với số lượng F0 quá đông, người thu gom rác không thể phân biệt được gia đình nào có rác thải từ F0; điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người lao động làm nhiệm vụ trực tiếp thu gom rác của công ty. Để hạn chế lây nhiễm cho người lao động, công ty đã quán triệt đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây mắc COVID-19 trong quá trình làm việc và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người thu gom rác thải.

Cần sự chung tay của các hộ gia đình

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng phương án để xử lý rác thải của F0 đang điều trị tại nhà đảm bảo đúng quy định về xử lý rác thải lây nhiễm nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ rác thải sinh hoạt. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, phụ trách Phòng Nghiệp vụ y dược (Sở Y tế) cho biết, trên lý thuyết phải phân loại rác thải và đựng vào nhiều túi với màu sắc khác nhau, trong đó rác thải nguy hại được bỏ vào túi màu vàng để xử lý riêng. Nhưng trên thực tế, các F0 ăn ở cùng gia đình, rác thải sinh hoạt thì thu gom chung. Hơn nữa cũng không thể bắt buộc người dân phân loại rác trong từng túi màu sắc khác nhau vì đơn vị thu gom rác thải cũng không có thùng rác theo màu để người dân phân loại và tất cả các rác thải đều được thu gom, xử lý chung như nhau. Chính vì vậy, việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt từ F0 là một vấn đề hết sức nan giải.

Tại bãi tập kết, xử lý rác thải của thành phố Buôn Ma Thuột (trên địa bàn xã Hòa Phú), ngay sau khi các xe thu gom đưa rác về tập kết, những người “mưu sinh” từ bãi rác đổ xô đào bới để tìm phế liệu, trong đó có cả rác thải sinh hoạt của F0 điều trị tại nhà.

Trước tình hình lượng F0 điều trị tại nhà trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao, thời gian qua, ngành y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rác thải sinh hoạt của F0 bằng cách tách riêng rác thải của F0 bỏ vào một túi riêng, buộc chặt rồi xịt khử khuẩn bằng cồn 70 độ, sau đó tiếp tục bỏ vào một lớp túi ni lông nữa buộc chặt rồi mới bỏ ra ngoài để đơn vị thu gom rác thải xử lý. Hiện tại, Sở Y tế đang xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từ F0 điều trị tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Song, dù phương án nào thì vẫn phụ thuộc lớn vào ý thức của người dân, bởi với số lượng F0 điều trị tại nhà quá lớn, lực lượng y tế không thể đến từng nhà để trực tiếp thu gom rác thải y tế nguy hại.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.