Multimedia Đọc Báo in

Rối loạn tâm thần do nghiện rượu

06:26, 11/03/2022

Rượu, bia là thức uống phổ biến trong các cuộc tiệc tùng, lễ lạt. Song, thường xuyên sử dụng rượu, bia có thể gây ra những hậu quả nặng nề như: vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, nguyên nhân của nhiều căn bệnh mạn tính và thậm chí là các bệnh liên quan đến tâm thần..

Ông N.T.T. (55 tuổi, trú huyện Buôn Đôn) đã nhiều lần phải vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh để điều trị chứng rối loạn tâm thần do nghiện rượu. Mỗi khi lên cơn nghiện rượu ông thường đập phá đồ đạc trong nhà, đánh đuổi vợ con, gây mất an ninh trật tự thôn, xóm. Con gái của ông T. kể: “Bố tôi là một trường hợp nghiện rượu nặng. Một ngày ông có thể uống gần 2 lít rượu. Có hôm ông uống rượu liên tục mà không chịu ăn uống gì. Lâu dần ông thường ngồi nói lảm nhảm một mình, có hôm bỗng nhiên ông hét lớn bảo thấy có người đang truy đuổi đòi giết. Do thấy bố có triệu chứng bất thường, gia đình tôi đã đưa ông đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám thì được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần do nghiện rượu. Để điều trị khỏi bệnh thì bắt buộc ông phải “cai” được rượu, thế nhưng việc “cai” rượu với người nghiện như bố tôi thật gian nan bởi ông không hợp tác”.

Một bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.  Ảnh: Quang Nhật

Tương tự, do uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài nên ông Y.T.B.Y. (40 tuổi, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu rối loạn tâm thần, hay chửi bới, la hét. Mỗi năm ông Y. phải vào bệnh viện tâm thần từ 3 - 4 lần để điều trị. Nhưng khi tình trạng ổn định, được xuất viện thì ông lại tiếp tục uống rượu và chứng cũ lại tái phát. Bệnh trạng ngày càng trầm trọng khi gần đây ông Y. thường rơi vào trạng thái hoang tưởng, luôn ảo giác có ai đang đuổi đánh mình, có hôm ông còn thấy đàn rắn rết từ đâu trong người chui ra ngoài cắn vào bàn tay nên ông chạy đi tìm dao và chặt đứt ngón tay của mình. Khi sự việc xảy ra, gia đình đã phải nhờ công an khống chế và đưa ông đến bệnh viện để điều trị.

Bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa khám - hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, trong rượu có chứa độc tố gây hại thần kinh, nếu một người uống rượu trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số cơ quan trong cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận… đồng thời ảnh hưởng đến vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi methanol và andehyt có trong rượu tích lại trong máu, cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Ngày nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến, như: biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ kích động, cáu gắt, ghen tuông… dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm. Đơn cử là thời gian vừa qua đã có rất nhiều vụ án mạng đã xảy ra, như con giết cha, giết mẹ, chồng giết vợ, bạn bè đâm chém lẫn nhau trên bàn nhậu… cũng nguyên nhân một phần từ rượu mà ra. “Hiện nay, trung bình một tháng Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 40 - 50 trường hợp mắc các rối loạn tâm thần do nghiện rượu, chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động. Số bệnh nhân này thường có những biểu hiện như: kích thích, vật vã, la hét, chửi bới và nhất là có triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, thường xuyên có biểu hiện lo âu, hoảng sợ”, bác sĩ Hoàng Thị Duyên thông tin.

 Theo bác sĩ Duyên, mỗi người tự nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe. Đối với người đã nghiện rượu, đặc biệt là nghiện rượu dẫn đến mắc các chứng rối loạn tâm thần, cần có nghị lực và quyết tâm “cai” rượu, bia. Người thân, bạn bè cần động viên, chia sẻ để người nghiện tránh xa rượu, bia; có như vậy việc chống tái nghiện mới đem lại hiệu quả.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.