Multimedia Đọc Báo in

Ứng xử văn minh với phong trào Metoo...

11:13, 21/04/2022

Sáng 16/4, website của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng thông báo do Chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều ký về kết quả kỳ họp thứ 4, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 - 2025), trong đó quyết định điều động công tác đối với ông Lương Ngọc An, hiện đang giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ.

Trước đó, nhà thơ Phan Thị Thanh Thúy, bút danh Dạ Thảo Phương đã gửi thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Biên tập Báo Văn nghệ…

Những trải lòng của nhà thơ Dạ Thảo Phương đã chôn giấu suốt 23 năm thực sự làm rúng động không chỉ giới văn nghệ. Số người chia sẻ, bảo vệ nữ thi sĩ chiếm số lượng áp đảo. Đấy có thể là áp lực cơ bản khiến Báo Văn nghệ có động thái trên, cho dù cơ quan điều tra không vào cuộc và có những kết luận cụ thể có hay không hành vi cưỡng hiếp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Đến đây, chắc mọi người đã biết đến phong trào Metoo (tôi cũng vậy) với hashtag #Metoo kêu gọi ngăn chặn nạn quấy rối và xâm hại tình dục trên toàn thế giới từ năm 2006. #Metoo đã khuyến khích phụ nữ lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại tình dục trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia. Làn sóng lan rộng, tạo nên một vòng tròn đoàn kết để nhiều nạn nhân biết rằng họ không cô độc. Bằng cách cất lên tiếng nói của mình, họ đang tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại vấn nạn nhức nhối thường được che khuất bởi danh vọng, tiền bạc, quyền lực. Thực tế, đã có hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng, những người có ảnh hưởng phải lên tiếng xin lỗi hay từ chức sau khi các cáo buộc lạm dụng xuất hiện như Hoàng tử Anh Andrew, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo... Nó mở đường cho việc tiến hành những hành động pháp lý chống lại những kẻ có hành vi phạm tội, nhất là ở những nước đã thông qua luật cấm quấy rối tình dục trong bộ luật lao động. Tại các quốc gia khác, #Metoo thúc đẩy chính phủ các nước này chỉnh sửa và ban hành những bộ luật mới hướng đến bảo vệ phụ nữ.

Phong trào #Metoo cũng đã lan tỏa đến nước ta, nhưng phải nói vụ việc của nhà thơ Dạ Thảo Phương là gây chấn động nhất. Để xới lại ký ức đã xảy ra 23 năm, khi nữ thi sĩ đã có một tổ ấm hạnh phúc, cuộc sống ổn định, là chuyện không dễ dàng chút nào. Điều đó đồng nghĩa có rất nhiều phụ nữ đã phải câm nín, “sống để dạ, chết mang theo” về quá khứ từng bị quấy rối, xâm hại tình dục.

Trong các nỗi ám ảnh nhất, có lẽ là dư luận. Truyền thông mạng đang là “con dao hai lưỡi” đối với những phụ nữ đã, đang nuôi quyết định giãi bày ký ức đau thương của mình lên cộng đồng. Không những được chia sẻ, bảo vệ, thậm chí còn bị khai thác theo nhiều chiều hướng để câu view. Điều này khiến nạn nhân càng tủi hổ, tuyệt vọng trước những lời bàn luận độc hại từ cộng đồng. Điều đó dẫn đến họ không chết bởi những kẻ đồi bại, mà từ chính từ sự nghiệt ngã của dư luận xã hội.

Vậy nên, phong trào Metoo cần phải được nuôi dưỡng trong môi trường tranh luận, giãi bày, sẻ chia một cách văn minh, dựa trên hành lang pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh. Ở đó, những chia sẻ của nạn nhân bị lạm dụng, quấy rối, xâm hại tình dục phải được điều tra đến tận cùng. Không có “vùng cấm” cho những kẻ xấu dưới ánh sáng công lý. Chỉ như thế mới góp phần thúc đẩy sức mạnh nữ quyền, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm tình dục.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.