Multimedia Đọc Báo in

Chi bộ Hội LHPN tỉnh: Phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ

08:54, 16/05/2022

Thời gian qua, Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp bằng chương trình hành động, kế hoạch công tác phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hội. Qua đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Chi bộ Hội LHPN tỉnh có 17 đảng viên. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, cộng với nỗ lực phấn đấu của đơn vị, Chi bộ Hội LHPN tỉnh đã phát huy và duy trì những thành quả đạt được trong nhiều năm liền.

Theo đồng chí Tô Thị Tâm, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Chi bộ luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng mỗi kỳ sinh hoạt.

Quá trình thực hiện, đã có những cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, khắc phục dần tính đơn điệu, hình thức; đảm bảo rõ nét ba tính chất trong sinh hoạt là lãnh đạo - giáo dục - chiến đấu.

Mặt khác, gắn công tác tự phê bình và phê bình với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cán bộ, đảng viên Hội LHPN tỉnh duy trì việc đọc báo vào buổi sáng.

Qua đó, nhiều đảng viên đã phát huy sự sáng tạo trong công tác chuyên môn, tham mưu những cách làm hay để cơ quan áp dụng như: đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng Ban Tổ chức, kiêm Chánh Văn phòng Hội) với sáng kiến duy trì nền nếp tổ chức đọc báo buổi sáng trước giờ làm việc (các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần) nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và cập nhật thông tin, kiến thức áp dụng vào công việc.

Hay như đảng viên Nguyễn Thị Ninh (Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp) tham mưu việc kêu gọi mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ quà để thăm hỏi, động viên và lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật đối với nữ phạm nhân tại các trại giam, tạm giam trong tỉnh. Đồng thời, các cấp Hội cơ sở cũng giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay cho người sau khi chấp hành án trở về địa phương, để họ lập nghiệp, phát triển kinh tế… Hiện, các hoạt động này đang được duy trì hiệu quả.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Chi bộ đã lãnh đạo đảng viên không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, sâu sát cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ và hoạt động Hội ngày càng phát triển. Đặc biệt, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.

Các cấp Hội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” đã giúp hàng nghìn hội viên có công ăn việc làm và thoát nghèo bền vững. Một trong những kết quả nổi bật là các cấp Hội đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để giúp hội viên phát triển kinh tế.

Đến nay tổng dư nợ vốn vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội do các cấp Hội Phụ nữ quản lý là gần 2.000 tỷ đồng, giúp trên 51.300 phụ nữ vay. Nhờ vậy, số hộ hội viên thoát nghèo hằng năm đạt từ 30 - 40% so với tổng số hộ, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Hội viên phụ nữ huyện Krông Búk giúp nhau phát triển kinh tế.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong 5 năm liền (2016 - 2021) Chi bộ Hội LHPN tỉnh luôn đạt trong sạch, vững mạnh; đồng thời được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng cờ thi đua và bằng khen.

Đồng chí Tô Thị Tâm cho biết: Phương hướng, mục tiêu của Chi bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Chi bộ để tiếp tục giữ vững danh hiệu. Bên cạnh đó, cố gắng đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về lập trường chính trị, tiên phong gương mẫu…

Thanh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.