Multimedia Đọc Báo in

Sức hút từ thú chơi đá cảnh suiseki

08:33, 24/05/2022

Đá cảnh là thú chơi có sức hút từ nhiều năm nay. Người chơi đá cảnh sẵn sàng đi tới nhiều nơi để tìm kiếm, tận mắt xem những viên đá có hình thù độc đáo đậm chất nghệ thuật mà tạo hóa ban tặng.
 

Hiện nay, tại Đắk Lắk cũng có một số người sở hữu những bộ sưu tập đá có giá trị lớn, được sưu tầm từ nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là đá suiseki (loại đá được tìm thấy ở tự nhiên không qua bàn tay tác động của con người).

Người sở hữu viên đá “độc nhất vô nhị”

Tại khu trưng bày Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), có hàng trăm viên đá suiseki có hình thù khác nhau được trưng bày trang trọng trên các giá đỡ bằng gỗ. Chủ nhân của hàng trăm viên đá này là ông Lê Đình Hiền (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt). Ông Hiền vốn là người yêu thiên nhiên nên nhiều năm trước ông đã có sở thích tìm kiếm, sưu tầm các loại sinh vật cảnh khác nhau như các loại giống cây, giống lan… và đặc biệt là đá suiseki. Mỗi khi rảnh rỗi ông đi đến nhiều nơi trong cả nước sưu tầm đá.

Ông Lê Đình Hiền (bìa phải) là chủ nhân viên đá màu xanh nước biển có hình bàn chân quý hiếm.

Trong một chuyến đi “săn” đá ở Phú Yên vào năm 2020, ông Hiền tình cờ nghe được câu chuyện về viên đá màu xanh nước biển có hình giống bàn chân người được tìm thấy ở sông Hinh. Viên đá này được nhiều người trả giá hàng trăm triệu đồng nhưng không bán. Thế nhưng khi gặp ông Hiền, chủ nhân viên đá nói rằng vì thấy có duyên nên gửi lại cho ông Hiền để ông giữ một tác phẩm đẹp cho đời. Sau khi nhượng lại viên đá trên cho ông Hiền, vài tháng sau, người đó mất vì bệnh tật. “Quả thật, nếu không đủ duyên, tôi không thể sở hữu được viên đá quý hiếm ấy”, ông Hiền cho hay. Chính vì vậy, ông Hiền đưa viên đá bàn chân đặt ở nơi trang trọng nhất của Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt.

Hiện nay, ông Hiền đang sở hữu bộ sưu tập trên 100 viên đá suiseki khác nhau, 60 giống lan quý có giá trị về mặt khoa học… Ngoài khu trưng bày trên, ông Hiền còn dành hơn 2 ha đất làm khu sinh thái có đủ bộ môn sinh vật cảnh như đá, hoa, cây cảnh. Đó là nơi ông tâm huyết, dành cho học sinh tham quan sau giờ học căng thẳng. Năm 2019, ông Hiền được nhận danh hiệu “Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu”.

Những viên đá “biết nói”

Ông Lê Phúc Tiếng (nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột) vốn đam mê đá cảnh từ thời còn trẻ, nhưng mãi đến khi về hưu ông mới có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi thú chơi này. Sau nhiều năm sưu tầm, ông Tiếng đã sở hữu bộ sưu tập đá cảnh với hàng nghìn món đồ độc đáo.

Ông Lê Phúc Tiếng giới thiệu về đá suiseki và các loại đá nghệ thuật.

Trong hành trình sưu tầm đá cảnh, ông Tiếng may mắn được sở hữu nhiều viên đá quý hiếm, trong đó có hoa đá ưu đàm (một loại hoa nở từ trong khe đá tự nhiên rất hiếm gặp). Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các khe đá hình thành nên những tinh thể trắng muốt hoặc vàng canxit cực kỳ quý hiếm. Chúng được coi là những bông hoa đẹp nhất mà thiên nhiên hình thành nên được đặt tên là hoa đá ưu đàm. Ông Tiếng chia sẻ, hoa đá ưu đàm rất dễ rơi rụng nếu va chạm mạnh. Khi sưu tầm về, ông cho ngay vào hộp thủy tinh hoặc đặt trên giá đỡ chắc chắn và trưng bày ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đồng thời, hoa đá ưu đàm giúp ông nhận ra nhiều điều, hoa đá như con người, trong hoàn cảnh nào cũng có thể vươn lên và môi trường càng khắc nghiệt, con người càng mạnh mẽ hơn.

Ông Tiếng không thể diễn tả đam mê đá cảnh bằng lời cũng như không thể chỉ rõ vẻ đẹp của từng viên đá. Thế nhưng, mỗi khi phiền muộn, ông lại ngắm nghía các viên đá thì mọi ưu tư đều tan biến. Mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, ông lại thấy hòn đá mang một vẻ đẹp khác. Đối với ông Tiếng, đá có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ, tuy vô ngôn nhưng có sức ảnh hưởng hơn vạn lời nói. Việc cảm nhận cái đẹp hay ngộ ra chân lý sống phụ thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người. Ông Tiếng cho rằng, khi thưởng lãm một tác phẩm đá nghệ thuật, người xem không nên nhìn một điểm mà nhìn tổng quan để cảm nhận.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, phong trào chơi sinh vật cảnh nói chung và đá cảnh nói riêng đang phát triển mạnh tại Đắk Lắk. Với nghệ thuật đá cảnh, ngoài tiềm lực kinh tế, người chơi cần trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về đá để tránh mua phải đá cảnh giả. Ngoài ra, điều tiên quyết cần có của người chơi đá cảnh là sự đam mê cùng tâm hồn nhạy bén mới khám phá hết vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng khối đá tưởng chừng vô tri, vô giác.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.