Multimedia Đọc Báo in

Có niềm vui lặng lẽ

06:05, 19/06/2022

Nằm nép mình trong con hẻm nhỏ ở đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều năm nay, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu đã trở thành mái nhà chung cho thanh thiếu niên khuyết tật, giúp họ tự tin thể hiện khả năng của bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi đến sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu vào một sáng cuối tháng 5, lúc mọi người đang tất bật hoàn thành đơn đặt hàng làm 150 con voi thổ cẩm.

Trong căn phòng nhỏ, các cô gái trẻ miệt mài làm việc, người cắt vải, người ngồi máy may, người dồn bông… cho sản phẩm. Chẳng mấy chốc, những chú voi ngộ nghĩnh ngập tràn sắc màu thổ cẩm được hoàn thành.

Nhìn sản phẩm sắc sảo, đẹp đẽ ấy, ít ai biết được rằng, đằng sau đôi bàn tay khéo léo làm nên chúng là những phận đời không may, khi họ không có khả năng nghe, nói như người bình thường, mà giao tiếp với nhau bằng những quy ước, mật mã riêng của “thế giới lặng”.

Chị Thu hướng dẫn cách may cho các thành viên tại cơ sở.

Chị Nguyễn Thị Phương Thu, chủ cơ sở bồi hồi nhớ lại, khi mới tốt nghiệp đại học, chị từng có hai tháng làm việc tại cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột). Lúc ấy, chị rất ấn tượng với hình ảnh về những đôi tay ra ký hiệu thoăn thoắt, những âm thanh không rõ thành lời mà đau đáu khát vọng vươn lên.

Đến năm 2009, chị về công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Trong những chuyến cùng đoàn đi tham quan, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhìn những tấm vải thổ cẩm đa sắc màu được dệt thủ công vô cùng tinh tế, chị nảy ra ý tưởng sử dụng những tấm thổ cẩm này làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức bán cho du khách.

Năm 2013, sau một thời gian tự mày mò, đi các tỉnh học hỏi công nghệ làm hàng lưu niệm, chị Thu quyết định dồn hết vốn liếng tích góp được để mở nên cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu. Đặc biệt, nguồn nhân lực làm việc tại cơ sở chủ yếu là các em khuyết tật, bị câm điếc, hoàn cảnh khó khăn, có khả năng lao động. Đến với nơi này, các em được sắp xếp ăn ở tại cơ sở, được học may cơ bản và học làm các mặt hàng lưu niệm.

 “Ngày mới thành lập, cơ sở gặp khá nhiều khó khăn. Dẫu vậy, tôi không nản chí mà tranh thủ những ngày cuối tuần  và mỗi buổi tối để hướng dẫn các em công việc cũng như tính tự lập. Ngoài giao tiếp bằng khẩu hình, ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi nhắn tin với nhau để thấu hiểu nhau hơn. Qua đó, tôi hướng dẫn tỉ mỉ về nghề thủ công. Các em rất chịu khó tiếp thu, học hỏi nên mọi việc dần đi vào quỹ đạo”, chị Thu trải lòng.

Tùy vào khả năng của mỗi người mà chị Thu có sự phân công công việc phù hợp, rõ ràng. Bên cạnh được đào tạo nghề miễn phí, các thành viên ở đây còn được trả lương hằng tháng, tùy theo tính chất công việc: thợ phụ, thợ chính, quản lý, dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Gắn bó với cơ sở được hơn 5 năm, em Hoàng Biên (SN 2003) giờ đã thành thạo nghề may, em có khiếu vẽ, bởi thế mỗi lần ra sản phẩm mới, chị Thu nói ý tưởng, còn Biên là người thực hiện vẽ mẫu sản phẩm. Qua dòng chữ nắn nót trên giấy, Biên cho biết em rất thích công việc này và muốn gắn bó lâu dài với nó. Còn đối với em Nguyễn Thanh Tuyền (SN 2000), thợ chính của cơ sở thì từ khi bước vào nơi đây, ai cũng tìm thấy niềm vui và động lực sống.

Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu đã trở thành mái nhà chung cho các thanh thiếu niên khuyết tật.

Hơn 10 năm thành lập, cơ sở của chị Thu luôn coi trọng yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Để làm ra được sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ thiết kế đến chọn vải, cắt vải, may, dồn bông, xâu hạt… Mỗi sản phẩm được làm tỉ mỉ, thủ công, là cả tâm huyết của những người thợ kém may mắn gửi gắm vào đó. Và rồi, khi hoàn thành sản phẩm, họ lại ngập tràn niềm vui khi nhìn ngắm thành quả lao động của mình.

Đến nay, các mặt hàng tại cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu như: thú nhồi bông, túi xách, ví... nhận được những phản hồi khá tốt từ khách hàng, có đầu ra ngày càng ổn định, khách hàng chủ yếu là các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh, đơn cử như đơn hàng 150 con voi thổ cẩm mà cả cơ sở đang dồn sức thực hiện. Hiện cơ sở có 13 thành viên đang làm việc, trong đó có 8 thanh niên khiếm thính. Sắp tới, cơ sở tiếp tục nhận thêm 2 - 3 thanh niên khuyết tật để làm thợ phụ.

Cứ thế, trong căn nhà nhỏ đầy ắp niềm vui, mỗi ngày trôi qua mọi người lại lặng lẽ, hăng say làm việc. Có lẽ, chính tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ từ chị Thu đã giúp các em khuyết tật tại cơ sở gắn bó lâu dài với công việc, từ đó nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, mặc cảm của bản thân để tự kiếm sống, hòa nhập với xã hội và trở thành người có ích. Sau hơn 10 năm thành lập, nhiều học viên tại cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu đã tìm được công việc ổn định, một số học viên nữ lập gia đình và có cuộc sống riêng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.