“Lương thực” của nhà báo
Đối với mỗi nhà báo, thông tin chính là “lương thực”, là “nguyên liệu” để tạo nên tác phẩm báo chí. “Lương thực” dồi dào, đa dạng hay cạn kiệt, nghèo nàn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt, khai thác và xử lý của mỗi nhà báo.
Để có thông tin thì mỗi nhà báo cần nuôi dưỡng nguồn tin. Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực nghề nghiệp, sự nhạy bén, trải nghiệm và khả năng tạo lập các mối quan hệ của người làm báo. Thông tin có thể đến từ các văn bản, báo cáo, hội nghị, từ một bản tin thời sự trên sóng truyền hình, một bài báo, trong một tiệm cà phê, quán ăn hay chỉ là câu chuyện của các bác xe ôm, bà nội trợ... Và trong thời đại số, nhà báo có thêm một kênh tiếp cận thông tin, đó chính là mạng xã hội.
Là nhà báo có thâm niên trong nghề, có nhiều tác phẩm tham gia liên hoan truyền hình và giải báo chí, nhà báo Trần Cường, Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Lắk cho rằng, “lương thực” hay đề tài của mỗi nhà báo luôn hiện diện ở xung quanh và trong mọi lĩnh vực của đời sống. Vấn đề là cảm nhận, tiếp cận, xử lý cộng thêm sự trải nghiệm của bản thân và dấn thân của nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm chất lượng.
Nắm bắt được thông tin tại huyện Krông Pắc có tình trạng hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng sau khi chính quyền tuyển dụng một cách ồ ạt, với trách nhiệm của một nhà báo và “máu” nghề nghiệp, nhà báo Trần Cường đã tìm hiểu các thông tin để phản ánh trung thực những sự việc liên quan trong câu chuyện này. Anh đã cùng êkíp đi đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có giáo viên bị buộc thôi việc, tìm hiểu hoàn cảnh, câu chuyện, nỗi niềm, mong muốn của các thầy cô. Phóng sự “Phía sau giảng đường” phản ánh chân thật, sống động những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, vấn đề người dân quan tâm đã giúp nhà báo Trần Cường đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2018.
Nhà báo Trần Cường, Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk trong lần tác nghiệp tại Đảo Song Tử Tây. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp đã giúp nhà báo Trần Cường luôn có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng và lường trước những tình huống có thể phát sinh khi đi công tác, tiếp cận nguồn tin. Chuyến đi quần đảo Trường Sa, anh đã tích lũy được “lương thực” để viết hơn 20 tin, bài.
Nhiều vấn đề chính trị, thời sự trên địa bàn tỉnh đã được anh cùng đồng nghiệp phản ánh kịp thời như: phân lô bán nền tại Đắk Lắk, công tác thi tuyển cán bộ, điện mặt trời, việc tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..., trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải báo chí tỉnh và Liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Đối với nhà báo Hoàng Tuyết, Báo Đắk Lắk, chị luôn có cách riêng trong xây dựng nguồn tin từ cơ sở. Là một phóng viên năng động, xông xáo, chịu khó thâm nhập thực tế, chị đã xây dựng được một “kho” đầu mối thông tin ở cơ sở từ lãnh đạo huyện, xã, trưởng các phòng, ban chuyên môn và người dân địa phương. Nhờ vậy, từ thông tin ban đầu qua điện thoại, chị phản ánh nhanh những vấn đề thời sự như: mưa bão, lũ lụt, tai nạn giao thông, cầu đường hư hỏng... Sau đó, chị về tận nơi, gặp gỡ người dân, chính quyền để có những bài phản ánh sâu, toàn diện.
Trước mỗi chuyến đi cơ sở, nhà báo Hoàng Tuyết luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vạch sẵn những thông tin, đề tài cần trao đổi, tìm hiểu. Đồng thời, trong lúc tiếp cận nguồn tin, trò chuyện với nhân vật, người dân, chị luôn chú ý đến từng câu chuyện bởi theo chị trong đó luôn chứa đựng những đề tài báo chí mang hơi thở cuộc sống.
Hành trang tác nghiệp của chị luôn có một cuốn sổ ghi chú, trong đó có rất nhiều gạch đầu dòng các ý tưởng, những vấn đề, sự kiện cần chú ý. Những chuyến công tác nhiều thêm mỗi ngày tỷ lệ thuận với các thông tin, đề tài dự trữ ngày càng dày hơn giúp chị không bị “cạn” ý tưởng.
Nhà báo Hoàng Tuyết (bìa trái) tác nghiệp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021. Ảnh nhân vật cung cấp |
Chính trải nghiệm và sự dấn thân trong nghề nghiệp đã giúp nhà báo Hoàng Tuyết có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí các cấp. Trong chuyến công tác tại huyện Lắk thực hiện đề tài về nghề nuôi voi, những câu chuyện thú vị xoay quanh loài vật này giúp chị nảy lên ý tưởng thực hiện bài viết về hành trình giúp voi mang bầu, sinh con. Đề tài này được chị ấp ủ suốt 3 năm, nghe ngóng, thu thập thêm thông tin, tư liệu, hình ảnh và thực hiện cùng đồng nghiệp để cho ra đời tác phẩm 5 kỳ “Gian nan hành trình bảo tồn voi”. Tác phẩm này đã đoạt giải A Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2020 và lọt vào Vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020.
Xã hội, cuộc sống luôn chuyển động đòi hỏi mỗi nhà báo không thể đứng yên hoặc dừng lại, ngồi phòng máy lạnh, "copy - paste", xào xáo thông tin để rồi "nấu" thành tác phẩm của mình mà phải luôn vận động để bắt nhịp, cảm nhận và viết.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc