Tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo vùng biên
Thời gian qua, “Dự án nuôi em” được triển khai tại các điểm trường vùng biên huyện Ea Súp đang lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tình người, mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tiếp sức đến trường cho nhiều học sinh nghèo.
Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng
Ea Súp là huyện biên giới khó khăn của tỉnh, đời sống của người dân địa phương còn vất vả, vì vậy nhiều trẻ em ở đây thường không được chăm sóc đầy đủ, bữa ăn khi đủ, khi thiếu... Thấu hiểu hoàn cảnh đó, nhằm giúp các em đến trường với bữa ăn đủ dinh dưỡng, góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, biết lao động và có cơ hội thay đổi cuộc sống, nhóm Tình nguyện Niềm tin (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia) đã thực hiện “Dự án nuôi em” – hỗ trợ những bữa ăn đến hai điểm trường vùng khó khăn của huyện là Trường THCS Ea Lê (xã Ea Lê) và Trường Mầm non Hoa Ban Cư Kbang (xã Cư Kbang) cho gần 250 học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Ea Lê, Nguyễn Đình Đại cho biết, trường có gần 60 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiểu khu 249, cách điểm trường khoảng 20 - 30 km, phải ở nội trú. Các em chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đời sống đặc biệt khó khăn. Trước đây các em phải tự túc mang gạo, rau từ nhà tới trường để nấu nướng.
Từ tháng 12/2021, các nhà hảo tâm thực hiện “Dự án nuôi em” hỗ trợ 8.500 đồng cho mỗi bữa ăn, ngày hai bữa trưa và tối. Từ đó, các giáo viên sẽ ký hợp đồng mua thực phẩm bên ngoài và đi chợ để thay đổi món hằng ngày như thịt, cá... đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các em. Còn các em sẽ tự nấu ăn để học được kỹ năng thực hành nấu ăn bổ trợ cho môn Công nghệ của nhà trường.
Bữa ăn ngon miệng của các trẻ Trường Mầm non Hoa Ban Cư Kbang. |
Tương tự, tại Trường Mầm non Hoa Ban Cư Kbang có 189 trẻ hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc thiểu số không có hộ khẩu nên chưa được hưởng các chế độ. May mắn, dự án đến hỗ trợ các em với 8.500 đồng/bữa trưa trong suốt 6 tháng học, giúp bữa ăn thêm nguồn dinh dưỡng. Cô Hồ Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có dự án, các em không phải mang cơm tới trường, thay vào đó, hằng tuần chúng tôi sẽ lên thực đơn cho từng ngày, ví dụ thứ hai ăn thịt, thứ ba ăn cá… đảm bảo ngày nào cũng có một món mặn và rau xanh, đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi các trẻ được ăn bữa ăn có thịt cá, trứng, đủ chất dinh dưỡng thì "có da có thịt" hơn, trẻ thích ăn và phát triển tốt hơn”.
“Nâng bước” em tới trường
Niềm vui đã tới với các học trò nghèo từ khi có những bữa ăn trị giá 8.500 đồng do “Dự án nuôi em” hỗ trợ. Vậy là mỗi bữa ăn ở trường, ngoài cơm trắng được mang sẵn từ nhà đi thì sẽ có thêm những thức ăn như thịt, trứng…, tới trường thì được ăn ngon hơn ở nhà nên các em sẽ thích đi học hơn.
Gần hai năm ở nội trú tại trường do nhà cách trường gần 30 km, từng muốn bỏ học ở nhà phụ bố mẹ vì đường xa vất vả, cuộc sống khó khăn, nhưng năm học này, em Đặng Mùi Pham (lớp 7A1, Trường THCS Ea Lê) có thêm động lực để đến trường. Bởi em may mắn được hỗ trợ những suất cơm không những đầy đủ mà còn nhiều dinh dưỡng như cá, thịt và hải sản tươi ngon. Em Pham trải lòng: "Những năm trước, mỗi tuần em về nhà một lần vào dịp cuối tuần để lấy gạo, tìm rau rừng mang lên ăn để ở nội trú học; hằng ngày bữa ăn chỉ có cơm trắng với rau rừng. Từ ngày có dự án hỗ trợ, được các cô mua nhiều thức ăn, em vui lắm".
Giáo viên Trường THCS Ea Lê kiểm tra bữa ăn của các em học sinh. |
Nụ cười cũng xuất hiện trên khuôn mặt bụ bẫm của em Lý Vũ Trường Giang (lớp lá 2, Trường Mầm non Hoa Ban Cư Kbang) khi được xúc những thìa cơm trắng cùng miếng thịt nóng hổi. Em hồn nhiên nói: "Nhiều tháng nay, em được ăn cơm ngon lắm, có các cô cho ăn trứng chiên, canh rau đầy đủ. Ngày nào, em cũng xin cơm thêm, ăn hai bát vì thức ăn rất ngon".
Theo cô Hồ Thị Hiền, từ ngày có dự án, ngoài việc giúp trẻ được ăn no và ngon miệng, các em thích thú đi học hơn và phụ huynh cũng rất yên tâm để đi làm, không cần phải lo lắng về bữa cơm trưa cho con như trước đây. Tỷ lệ trẻ bỏ học giảm bớt, trẻ suy dinh dưỡng cũng thuyên giảm.
Một bữa ăn trong ngày giúp các em vùng biên có đầy đủ chất dinh dưỡng để yên tâm học tập, ngoài có ý nghĩa thiết thực còn góp phần chắp cánh cho những ước mơ đến trường, mở ra con đường đến với tương lai rộng mở. Thời gian tới, hy vọng dự án sẽ được nhân rộng tới nhiều vùng sâu, vùng xa khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc