Multimedia Đọc Báo in

Từ gia đình nhỏ đến “gia đình thế giới”

09:40, 28/06/2022

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) khởi nguồn từ Ngày Quốc tế Gia đình (International Day of Families – IDF) 15/5, ra đời năm 1993.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã đề ra những mục tiêu trọng tâm đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm: Chấm dứt đói nghèo, phát triển kinh tế thịnh vượng, phát triển xã hội và nâng cao phúc lợi cho người dân, bảo vệ môi trường. Trong đó, gia đình đóng vai trò chủ chốt đối với đời sống xã hội, góp phần đảm bảo sự hạnh phúc và khỏe mạnh cho từng thành viên, chăm lo và giáo dục trẻ nhỏ, chăm sóc và phụng dưỡng người già.

Ngày Quốc tế Gia đình cũng là một cơ hội để làm nổi bật tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống với chất lượng tốt hơn.

Gia đình vui vẻ. Nguồn: Internet
Gia đình vui vẻ. (Nguồn: Internet)

Suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngay từ khi còn bé thơ, qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, mỗi trẻ em Việt Nam đều được nghe những lời dạy bảo yêu thương. Lớn hơn, bài học làm người đầu tiên mà các thế hệ gia đình Việt Nam giáo dục con cháu cũng là dạy cách ứng xử với bà con xóm giềng, người lớn, thầy cô, các mối quan hệ trong xã hội… Những lời dạy ấy đã thấm sâu trong mỗi người con đất Việt, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, đó là lòng nhân hậu, thủy chung, sự đoàn kết, sẻ chia, gắn bó trong mỗi gia đình cũng như trong cả cộng đồng, đất nước.

Cũng vì những giá trị thiêng liêng đó, mỗi người con Việt Nam đều ý thức sâu sắc trách nhiệm công dân trong việc đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước; khi Tổ quốc lâm nguy luôn sẵn sàng  hy sinh, bảo vệ để gìn giữ cuộc sống hòa bình, ấm no cho chính mỗi gia đình và cho toàn dân tộc. Lịch sử đất nước dặm dài chiến chinh, bao gia đình đã phải ly tán. Bao chàng trai, cô gái đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi. Bao bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất chồng, con để chúng ta có được cơ đồ như hôm nay. “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”.

Từ đại dịch COVID-19, với những ngày dài mỗi gia đình được nhiều thời gian bên nhau, cùng nhau chia sẻ và ứng biến với thảm họa, hai tiếng “gia đình” càng được thức ngộ. Cao hơn nữa là tinh thần “lá lành đùm lá rách” với đồng bào gặp khó khăn được thể hiện đậm nét. Bao người đã và sẵn sàng lao vào tâm dịch, tuyến đầu để góp phần mang lại bình yên cho đại gia đình Việt Nam. Chúng ta cũng không được phép quên những đồng bào đã qua đời vì COVID-19, bao trẻ em bỗng nhiên phải mồ côi.

Gia đình Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Gia đình là nền tảng, là tế bào và một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi con người.

Đúng như tinh thần của Ngày Quốc tế Gia đình, hai năm qua, thế giới càng hiểu rõ việc phải cùng chung tay gây dựng nên “gia đình thế giới” ngày càng phát triển thịnh vượng, hòa bình; phải làm sao bảo vệ cho “người mẹ trái đất” được an toàn trước mọi nguy cơ, trong đó có tác động của con người.

Rõ ràng, việc tập hợp, nêu cao tinh thần đoàn kết, hướng các gia đình vào cái đích xây dựng cuộc sống chất lượng tốt hơn, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, toàn thế giới nói chung. Bảo đảm sự yên ấm và hạnh phúc của mỗi gia đình không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ chính các thành viên trong nội bộ gia đình mà còn cần thiện chí và sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, để từ đó xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.