Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế - Vì sức khỏe người dân

06:26, 01/07/2022

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng. Nhân Ngày BHYT Việt Nam (1/7), Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh NGUYỄN KHẮC TUẤN xoay quanh nội dung này.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn.

* Thưa ông, chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông có đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh?

- Là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi đã phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tích cực đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên một sự chuyển biến toàn diện từ ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể đối với các cấp, các ngành trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Sau thời gian thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh tăng lên hằng năm. Năm 2021 số người tham gia BHYT là 1.544.582 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,97% dân số toàn tỉnh, ước 6 tháng đầu năm 2022 số người tham gia BHYT là 1.600.000 người, đạt 95,35%. Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Ngoài ra, đối tượng hộ cận nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình còn được hỗ trợ thêm mức đóng. Quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, ngành y tế tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và thái độ phục vụ người bệnh, không phân biệt người có thẻ hay không có thẻ.

Có thể nói, chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe cho bản thân. Người tham gia BHYT ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Bên cạnh đó, số thu BHYT những năm qua cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ nợ đọng có chiều hướng giảm dần theo các năm... Những con số này phần nào minh chứng sự tuân thủ các quy định pháp luật về thực hiện BHYT trên địa bàn tỉnh càng ngày càng tốt hơn.

* Để đảm bảo việc thực hiện chính sách BHYT bền vững, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân, công tác tuyên truyền phát triển người tham gia BHYT đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy ở tỉnh ta, công tác này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 - Muốn người dân tham gia BHYT, trước hết cần tuyên truyền để mọi người hiểu rằng BHYT là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Đại lý thu BHXH, BHYT thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHXH, BHYT.

Đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nhằm linh hoạt ứng biến trước khó khăn do dịch COVID-19 tác động, cơ quan BHXH tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT từ trực tiếp đến trực tuyến như phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương thực hiện các tin, bài, phóng sự, chương trình đối thoại trực tiếp, chuyên mục tuyên truyền; truyền thông trên mạng xã hội (Fanpage, Zalo page); tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận thôn, buôn, xã, phường về chính sách BHYT, BHXH bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Êđê, M'nông); phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn và đặc biệt vận động tiếng nói của người có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Có thể nói, trong giai đoạn này, công tác truyền thông đã thực sự đi sâu, đi sát đến tận người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT, đồng thời củng cố, xây dựng được hình ảnh ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của nhân dân.

* Ông có thể nói rõ hơn về những cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh?

- Tháng 11/2020, ngành BHXH đã cho ra đời ứng dụng VssID – BHXH số thay thế cho thẻ BHYT giấy. Tức là chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VssID người bệnh có thể dễ dàng xuất trình thông tin BHYT của mình cho bệnh viện bất cứ lúc nào. Việc này hạn chế các tình huống như quên, làm mất, làm hỏng như khi sử dụng thẻ BHYT giấy, nhất là trong bối cảnh đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng đầu đọc mã QR-Code để đồng bộ tiện ích khi người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Đối với cơ sở khám chữa bệnh chưa có đầu đọc mã QR-Code thì sẽ nhập mã số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID vào phần mềm hệ thống khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Quy trình giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công. Với quy trình này, người dân không phải đến đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH gần nhất để gia hạn như trước nữa mà có thể ở nhà thực hiện các thao tác trực tuyến để gia hạn và được giảm trừ theo hộ gia đình. Ngoài ra, ngành BHXH cũng đang triển khai thí điểm việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

* Hiện BHXH tỉnh đã triển khai giải pháp gì để thực hiện đạt chỉ tiêu BHYT trong năm 2022, nhất là khi Quyết định số 861/QĐTTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu phát triển BHYT, thưa ông?

- Quyết định số 861/QĐTTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc đã tác động lớn đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh. Hơn nữa, tại tỉnh Đắk Lắk, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được cấp thẻ BHYT ảnh hưởng đến việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Để hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm 2022 đạt tỷ lệ bao phủ 91,75% dân số tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, chúng tôi đã huy động sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của người dân. Trong đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT; xây dựng chương trình, kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; huy động các nguồn lực hợp pháp kết hợp với ngân sách địa phương để hỗ trợ tham gia BHYT đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân vùng khó khăn, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe, đồng thời để mở rộng diện bao phủ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn phát sinh nợ tiền đóng BHYT, các doanh nghiệp có biểu hiệu trốn đóng BHYT cho người lao động từ dữ liệu cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động để khắc phục trình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ BHYT…

* Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh - Phạm Loan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.