Multimedia Đọc Báo in

Bám sát địa bàn, cùng dân vượt lũ

08:00, 11/08/2022

Trước tình hình mưa lớn kéo dài, các đơn vị lực lượng vũ trang vẫn tích cực phối hợp cùng chính quyền, địa phương các xã biên giới Ia Lốp, Ia R’vê (huyện Ea Súp) ứng trực, triển khai hiệu quả nhất công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Từ ngày 8 đến ngày 10/8, trên địa bàn huyện Ea Súp, thượng nguồn hồ Ea Súp thượng xảy ra mưa lớn, kéo dài; kết hợp với xả tràn hồ dẫn đến một số khu vực trũng, thấp trên địa bàn xảy ra ngập lụt. Nhiều tuyến đường quan trọng bị chia cắt như: Tuyến đường 14C bị ngập đoạn cầu Ea H'leo; tuyến đường liên xã từ Ia Lốp đi Ea Rốc bị ngập tại đoạn cầu suối 12; tuyến đường xã Ia R’vê đi xã Ea Rốc ngập tại thôn 13 khiến giao thông ách tắc, đi lại khó khăn.

Các lực lượng hỗ trợ gia đình có em bé 10 ngày tuổi đến khu vực an toàn. Ảnh: Trung Nguyên

Bám nắm tình hình, Đoàn Kinh kế - Quốc phòng 737 đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng quân sự, công an các xã Ia Lốp, Ia R’vê và các đồn biên phòng thông báo sâu rộng tình hình lũ lụt; vận động các hộ dân đang ở các địa điểm bị ngập lụt di dời về nơi an toàn.

 

“Mực nước lũ trên địa bàn biên giới vẫn tiếp tục dâng lên. Các lực lượng vẫn đang tích cực phối hợp, theo dõi diễn biến thời tiết, các công trình hồ, đập nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống" - Trung tá Nguyễn Quốc Hoan, Trưởng Công an xã Ia Lốp.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, nhiều thôn như Chiềng, Trung, Án, Đừng, Nhạp, Giồng Trôm, Chợ Lách, Thạnh Phú… của xã Ia lốp bị ngập sâu từ 0,4 – 2 m. Đặc biệt, ở dọc sông suối trên địa bàn thôn Thanh niên lập nghiệp, mực nước có nơi đã dâng cao gần 3 m, hàng chục hộ dân làm rẫy, hộ di cư tự do sinh sống tại đây bị cô lập.

Từ sáng sớm ngày 9/8, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực phối hợp với các lực lượng vũ trang tiếp cận vùng ngập nguy hiểm. Trực tiếp lái xuồng máy, Thiếu tá Lang Văn Sinh (nhân viên Đội sản xuất Nông lâm 2, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737) cùng với các chiến sĩ thực hiện 6 chuyến đi về liên tục, đưa thành công 14 hộ dân gồm 26 người và tài sản có giá trị đến nơi an toàn.

Nhiều năm tham gia cứu hộ cứu nạn trên biên giới, Thiếu tá Lang Văn Sinh cho biết: “Khi chứng kiến nhiều căn nhà đã ngập tới nóc, người già, trẻ em hốt hoảng trước dòng lũ, chúng tôi tự nhủ phải cố gắng nhanh nhất có thể để đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Giúp dân luôn là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính".

Các lực lượng hỗ trợ người dân ra khỏi vùng ngập an toàn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong hàng chục gia đình được cứu hộ đợt này, có em bé mới chỉ tròn 10 ngày tuổi, con của vợ chồng anh Vương Văn Hải (SN 1996) và chị Sầm Thị Thu Thời (SN 1999). Vừa hỗ trợ lên xuồng ngay từ chuyến đầu, gia đình còn được Trung tá Nguyễn Quốc Hoan, Trưởng Công an xã Ia Lốp trực tiếp lái ô tô, chở về nơi lưu trú. Thăm hỏi mới biết, đứa trẻ vẫn chưa kịp đặt tên, chưa làm Giấy khai sinh. Không còn vẻ luống cuống, sợ hãi như lúc đầu, chị Thu Thời vui mừng cám ơn lực lượng cứu hộ đã giúp đỡ gia đình vượt qua vùng nguy hiểm.

Ứng trực ở các xã vùng biên, các lực lượng còn hỗ trợ 2 hộ bị ngập lụt ở thôn Chiềng (xã Ia lốp) và 1 hộ ở thôn 13 (xã Ia R’vê) đến khu vực an toàn; triển khai lực lượng chốt chặn, không cho người dân qua lại ở các đoạn đường bị chia cắt nguy hiểm.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.