Multimedia Đọc Báo in

Cấp nước sinh hoạt nông thôn: Hiệu quả từ huy động, lồng ghép nguồn lực

08:27, 19/08/2022

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, kiểm đếm bền vững các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Tín hiệu vui từ các chỉ số

Theo quyết định phê duyệt kết quả Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2021 của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 96,21% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 0,71% so với kế hoạch UBND tỉnh giao). Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam chiếm 17,33% (tăng 0,78% so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 87,77% (tăng 0,35% so với năm 2020).

Công trình cấp nước tập trung xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn" dựa trên kết quả.
 

“Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác khảo sát, tham mưu, đề xuất các phương án đầu tư, xây dựng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ; tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa công trình sau đầu tư”.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình

Công tác quản lý, vận hành của các công trình cấp nước trên địa tỉnh ngày càng hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 123 công trình được đầu tư hoàn chỉnh theo tiêu chí quy định, trong đó có 47 công trình hoạt động bền vững (tăng 4,9% so với năm 2020), 17 công trình tương đối bền vững, 14 công trình kém bền vững, 45 công trình không hoạt động (giảm 3,8% so với năm 2020). Các công trình hoạt động bền vững chủ yếu do đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp quản lý. Các công trình không hoạt động chủ yếu do mô hình cộng đồng, UBND xã quản lý.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và nước sạch tăng là do một số công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa đưa vào vận hành cấp nước cho người dân như: công trình cấp nước xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc), xã Dang Kang, Đông Duy Lễ - xã Hòa Lễ, Cư Drăm - xã Cư Drăm (huyện Krông Bông)… Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng thực hiện chỉ tiêu nước sạch theo Tiêu chí số 17 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người sử dụng nước. Nhiều hộ đã chủ động thực hiện xây dựng, cải tạo công trình cấp nước hộ gia đình hoặc sử dụng các thiết bị lọc nước.

Phát huy nguồn lực đầu tư

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu “tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 97,5%”. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến nước sạch như: Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới; các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Gia đình bà Huỳnh Thị Danh ở thôn 3 (xã Tân Tiến) sử dụng nước từ Công trình cấp nước tập trung của xã.

Trong đó, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới đã mang lại hiệu quả rõ nét. Từ nguồn vốn của chương trình, đến nay, toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhiều công trình cấp nước tập trung; xây mới, cải tạo 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 62 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế. Tổng số hộ được đấu nối, sử dụng nước từ các công trình trên 14.000 hộ, hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Đối với các công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trong và sau đầu tư; các địa phương rà soát, bố trí nguồn ngân sách theo phân cấp để nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan triển khai thi công, bảo đảm tiến độ theo quy định. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát cộng đồng trong quá trình dự án triển khai xây dựng; tiếp nhận công trình, khai thác, quản lý, vận hành hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống; sử dụng nước tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ công trình và phát triển bền vững nguồn nước sạch ở địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.