Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ trẻ em trước tai nạn giao thông: Trách nhiệm của người lớn

07:10, 25/09/2022

Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là điều không ai mong muốn, mỗi vụ TNGT thường để lại hậu quả đau lòng, sự mất mát, thương tật và kéo theo nhiều hệ lụy. Càng đau xót hơn khi nạn nhân là các em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi cắp sách đến trường...

Đầu tháng 11/2021, tại huyện Krông Năng đã xảy ra một vụ TNGT khiến một học sinh tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn xe ô tô biển kiểm soát 51B – 023.65 chở khoảng 30 học sinh lưu thông qua địa bàn xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) do không đóng cửa khi lưu thông khiến một học sinh lớp 6 bị rơi xuống đường và bị chính xe ô tô này cán lên người dẫn đến tử vong. Qua điều tra nguyên nhân được biết, quá trình lưu thông tài xế không đóng cửa xe, khi gặp tình huống bất ngờ dẫn đến tai nạn và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Còn nhớ, vụ TNGT xảy ra cách đây hơn 7 năm trên Quốc lộ 26 đoạn qua huyện Krông Pắc giữa xe bồn và xe máy, khiến 4 người trong một gia đình thương vong. Nguyên nhân vụ tai nạn do tài xế điều khiển xe bồn, trong lúc tránh một chiếc xe máy từ trong hẻm đi ra đã đánh xe nghiêng sang bên trái, lấn hết làn đường và không làm chủ được tay lái đã đâm thẳng vào chiếc xe máy lưu thông theo chiều ngược lại dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Hậu quả đau lòng sau vụ tai nạn này khiến 3 người trong một gia đình tử vong tại chỗ (gồm bố, mẹ và một bé gái 7 tuổi); một bé gái 4 tuổi còn lại bị thương. Trong tích tắc, bé gái ấy bỗng trở thành trẻ mồ côi – sự mất mát quá lớn đối với một đứa trẻ đang cần được bố mẹ chăm bẵm, bảo bọc.

Nhân viên Công ty Honda Việt Nam tại Đắk Lắk hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm đúng cách.

Các vụ việc trên như hồi chuông cảnh báo về tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, việc xử lý tình huống khi gặp sự cố bất ngờ khi điều khiển phương tiện của tài xế, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Sau khi gây tai nạn, tài xế cũng đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, song những đau thương, mất mát không thể xoa dịu của người thân, gia đình người bị nạn. Thậm chí những hình ảnh của các vụ tai nạn ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh theo các em suốt cả cuộc đời.

Số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tổng số bệnh nhân khám, điều trị do TNGT tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là 5.451 người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 344 em. Con số này cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị TNGT là không hề nhỏ. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc, hành động quyết liệt hơn nữa từ chính quyền địa phương các cấp, lực lượng chức năng nhằm nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em nói riêng và bảo vệ sinh mạng, an toàn cho trẻ em nói chung. Trong đó, cần chú trọng siết chặt các điều kiện về bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, các điều kiện về sức khỏe, giấy tờ theo quy định của pháp luật đối với các tài xế. Quyết liệt ngăn chặn tận gốc tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, xe cũ nát vẫn đưa ra hoạt động vận tải chở khách dẫn tới những vụ TNGT nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.

Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng cần sự nêu cao tinh thần, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ, hạn chế thấp nhất TNGT xảy ra với trẻ. Qua 2 vụ TNGT nêu trên có thể thấy, nếu tài xế thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách, bình tĩnh xử lý tình huống thì sẽ hạn chế được những vụ việc đau lòng xảy ra.

Trẻ em là đối tượng vốn dễ tổn thương, một khi xảy ra TNGT, tỷ lệ tử vong rất cao hoặc mang di chứng nặng. Không chỉ tử vong hoặc chấn thương nặng nề vì TNGT, trẻ em có thể sẽ là nạn nhân của những vụ TNGT ở một góc độ khác, khi người thân các em tử nạn vì TNGT. Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước được những rủi ro xảy ra, nên trách nhiệm đó thuộc về người lớn, đó là người điều khiển phương tiện, các bậc phụ huynh và lực lượng chức năng... Vì thế, bảo vệ trẻ trước những vụ TNGT cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.