“Mẹ Tú” ở buôn Kon H’ring
Ở buôn Kon H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar), dường như mỗi căn nhà của đồng bào Xê Đăng đều có bóng dáng thầm lặng của người cán bộ chi hội phụ nữ người Kinh thơm thảo, tận tụy mà bà con vẫn quen gọi là “mẹ Tú”
“Mẹ Tú” là cách bà con buôn Kon H’ring gọi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Nguyễn Thị Đào (Tú là tên con gái đầu của bà Đào). Ở tuổi 65, bà Đào đã gắn bó hơn nửa đời người với bà con Xê Đăng ở buôn Kon H’ring, gần 20 năm làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, cũng như các nhiệm vụ khác như: thành viên tổ hòa giải, cộng tác viên dân số, trẻ em... Sống giữa các buôn làng, bà Đào giao tiếp thông thạo cả tiếng Xê Đăng và Êđê, và trở thành cầu nối tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thời trẻ, bà Đào từng tham gia công tác Đoàn tại quê nhà Quảng Nam nên sự năng nổ dường như đã ngấm vào máu, kể cả khi phải nặng gánh lo toan cho 5 người con ăn học. Thấy bà con người Xê Đăng đông con, lam lũ, bà đến từng nhà vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Cũng đích thân bà đưa các chị em đi đặt vòng tránh thai bởi đặc thù của người Xê Đăng rất ngại tiếp xúc với bên ngoài.
Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm của bà, Chi hội Phụ nữ buôn Kon H’ring đã phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chi hội Phụ nữ buôn Kon Hring có 330 hội viên thì có đến 200 chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi với số tiền từ 50 - 90 triệu đồng/hộ. Hàng chục năm qua, các tổ tiết kiệm vay vốn không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Cũng nhờ nguồn vốn này, chị em phụ nữ buôn Kon H’ring yên tâm đầu tư sản xuất, lo cho con cái học hành, tránh việc vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Bà cũng sẵn sàng dốc hết hầu bao cho họ mượn mỗi khi khó khăn đột xuất mà không hề lấy lãi.
H'Lút (bìa phải) kể lại hành trình vượt qua căn bệnh lao hạch nhờ sự giúp đỡ của gia đình bà Đào (ngồi giữa) trong lúc ngặt nghèo nhất. |
Hầu hết giấy tờ, thủ tục của bà con trong buôn đều nhờ “mẹ Tú” hướng dẫn, từ việc khai sinh, khai tử đến làm hồ sơ vay vốn, xuất khẩu lao động… Cũng vì thế, quán tạp hóa nhỏ và cũng là nguồn thu nhập chính của bà lúc tuổi già thường xuyên mở cửa vào khung giờ rất lạ, từ 5 giờ đến 7 giờ buổi sáng và 16 giờ đến 18 giờ buổi chiều để bà có thời gian hỗ trợ bà con.
Lắm khi, vì sự nhiệt tình mà bà Đào bị hiểu nhầm là “cò” giấy tờ. Đó là dịp cấp căn cước công dân tập trung. Thấy bà đưa hết người này đến người khác ở buôn Kon H’ring vào làm giấy tờ, đồng chí công an làm nhiệm vụ hỏi nhỏ lãnh đạo xã Ea H’đing về nghi vấn của mình mới vỡ lẽ rằng bà Đào chỉ đang hỗ trợ người dân thuận lợi hơn trong việc hoàn thành các biểu mẫu, thủ tục và không hề tư lợi hay đòi hỏi gì từ họ. Cũng vì liên tục làm giấy khai sinh cho trẻ em buôn Kon H’Ring mà cán bộ hộ tịch xã Ea H’đing còn bông đùa: “mẹ Tú” đẻ con suốt thôi!
Kề cận với từng hộ dân buôn Kon H’ring nên bà Đào rất đồng cảm và sẻ chia với những vất vả, thiếu thốn của họ. Căn nhà Đại đoàn kết của chị H’Phít mới hoàn thành trong tháng 7 năm nay với kinh phí 100 triệu đồng thì đã có 20 triệu đồng do “mẹ Tú” giúp đỡ. Chồng chị H’Phít mất trong một vụ tai nạn giao thông hơn một năm trước cũng nhờ “mẹ Tú” giúp tiền lo tang ma. Bốn đứa con của chị, “mẹ Tú” cũng giúp làm giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, nhắc nhở việc học hành. Niềm cảm kích của chị với “mẹ Tú” không kể sao cho hết.
Còn căn nhà của vợ chồng A Cang thì hoàn toàn do “mẹ Tú” đứng ra lo liệu. Cả ba thế hệ nhà A Cang sống tạm bợ trong căn nhà gỗ xiêu vẹo được dựng từ gần 30 năm trước. Thương cảnh vất vả ấy, đầu năm 2022, “mẹ Tú” đã tự bỏ ra số tiền hơn 70 triệu đồng để xây dựng căn nhà cấp 4 hơn 40 m2 giúp gia đình anh ổn định cuộc sống.
Toàn bộ số tiền giúp đỡ mọi người được bà Đào dành dụm từ quán tạp hóa, từ những khoản các con biếu cha mẹ. Các con của bà cũng được thừa hưởng tính cách nhiệt tình ấy của mẹ. Giữa năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các tỉnh thành đều kiểm soát chặt việc đi lại để phòng dịch, con gái của bà Đào đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh đã dùng chính xe ô tô cá nhân của mình chở em H’Lút đang mắc bệnh nặng từ nhà trọ ở tỉnh Bình Dương về nhà theo lời nhờ cậy của mẹ. Giờ đây, khi nhớ lại hành trình vượt qua bạo bệnh, H’Lút xúc động chia sẻ: “Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình “mẹ Tú”, có lẽ, em không sống được đến ngày hôm nay!”
Những câu chuyện nghĩa tình về “mẹ Tú” cứ nối dài khắp buôn Kon H’ring suốt bao năm qua. Riêng bản thân người phụ nữ ấy chỉ thầm lặng làm việc, thầm lặng đóng góp mà không mong cầu gì ngoài có thật nhiều sức khỏe để phát huy tốt vai trò hạt nhân đoàn kết ở buôn làng.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc