Mong manh ước mơ vào giảng đường đại học của cô nữ sinh hiếu học
Đạt số điểm 24,15 khối A1 và trúng tuyển Ngành Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Tây Nguyên, thế nhưng nữ sinh Trần Thị Thu Trinh ở thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) vẫn còn nhiều băn khoăn cho quyết định nhập học của mình bởi hoàn cảnh gia đình quá cơ cực.
Bên trong căn nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe lăn là phương tiện hỗ trợ đi lại cho bố là ông Trần Chí Long (50 tuổi), Trinh kể: Em sinh ra trong gia đình thuần nông có hai anh em, lúc nông nhàn bố làm thêm nghề phụ hồ, mẹ mua bán ve chai. Sau nhiều năm tích cóp dành dụm, năm 2018, gia đình quyết định xây căn nhà mới tươm tất hơn để ở. Chưa kịp vui mừng khi căn nhà đang gần hoàn thiện thì mọi tai ương bắt đầu ập đến. Vườn tiêu 2 sào được người họ hàng cho mượn đất để canh tác bị chết sạch vì úng nước sau trận mưa bão dài ngày, đàn bò cũng ủ bệnh rồi chết. Kinh tế trong nhà bắt đầu trở nên eo hẹp. Từ đó mẹ sinh ra buồn phiền, trầm cảm nặng, phải điều trị dài ngày. Đến nay tình trạng của mẹ vẫn chưa thuyên giảm. Nhiều lúc mẹ rời nhà đi biệt tích, phải vất vả đi tìm khiến gia đình lo lắng vô cùng.
Biết gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, người anh trai của Trinh đang học cấp 3 đành phải bỏ ngang việc học để vào TP. Hồ Chí Minh làm lao động phổ thông phụ giúp cha mẹ.
Ngoài giờ học, em Trần Thị Thu Trinh luôn túc trực chăm sóc người cha bị bệnh tật. |
Là trụ cột gia đình, ông Long gồng gánh mưu sinh bất kể nắng mưa để chạy chữa cho vợ và lo cho con gái không bị gián đoạn việc học. Nhưng số phận trớ trêu lại ập đến khi ông liên tục bị đau nhức, tê bì đôi chân, uống thuốc nam nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Đến khi chân bên phải có biểu hiện phù nề, thâm đen, cả gia đình vay mượn tiền đưa ông xuống TP. Hồ Chí Minh điều trị. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tắc động mạch, gây hoại tử và phải cưa cụt một chân.
Không lâu sau, triệu chứng cũ tái phát ở bên chân còn lại. Gia đình lại chạy vạy khắp nơi đưa ông nhập viện. Lần cưa chân thứ hai may mắn hơn khi ông chỉ bị cắt đi bàn chân nhưng đã biến ông trở thành một người bại liệt hoàn toàn chỉ ngồi một chỗ.
“Mỗi lần nhìn mẹ như trẻ lên ba, nhìn cha nặng nhọc chống đỡ thân mình bằng đôi tay gầy, em không kìm nổi nước mắt. Nhiều lúc định từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường, nhưng sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè đã cho em thêm nghị lực”, Trinh nghẹn ngào.
Gánh nặng quá sức của cuộc sống đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ. Hằng ngày, Trinh vừa lo cơm nước, vừa tất bật lo cho mẹ, rồi theo bố đi chạy chữa bệnh tật, nhưng em chưa bao giờ lơ là việc học. Suốt 3 năm học cấp 3 tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc), em đều đạt học sinh giỏi.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Trinh mong muốn được bước chân vào giảng đường đại học. Niềm mong mỏi đã trở thành hiện thực, nhưng ước mơ của em vẫn đang là mơ ước khi hoàn cảnh gia đình còn quá khốn khó, bố mẹ bệnh tật, không ai chăm sóc.
“Em rất mong được đi học đại học để khi ra trường tìm được công việc ổn định, làm chỗ dựa cho cha mẹ. Nếu có cơ hội đến giảng đường, em sẽ vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân”, Trinh tâm sự.
Nghị lực và những kết quả mà Trinh đã đạt được là không hề dễ dàng. Con đường đến với ước mơ đại học của em đang dần khép lại, cần lắm những sự sẻ chia, những tấm lòng hảo tâm để giúp em viết tiếp ước mơ còn đang dang dở.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Em Trần Thị Thu Trinh ở thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk; số điện thoại 0333.401.321; số tài khoản 6321.0000.698.270 Trần Thị Thu Trinh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Krông Pắc. Hoặc Quỹ Tấm lòng vàng Báo Đắk Lắk, số 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; số tài khoản: 115000061544 Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc